Ấm lòng những mô hình thiện nguyện trong các bệnh viện

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang triển khai nhiều hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực, trong đó, nổi bật nhất là hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và công tác xã hội nhân đạo từ thiện. Đặc biệt là 2 mô hình xe chuyển bệnh miễn phí và bếp ăn tình thương trong các bệnh viện.

Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí

Hội Chữ thập đỏ luôn đề ra nhiều hoạt động xã hội nhân đạo thiết thực nhằm giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn. Vì những hộ nghèo thường ngày cuộc sống đã khó khăn; nên khi gia đình có người bệnh lại càng khó khăn hơn. Nhất là mỗi khi có người bệnh vào ban đêm ở các xã vùng sâu, xã cù lao thì công việc chuyển người bệnh đi điều trị bệnh ở các Bệnh viện tuyến trên là rất khó khăn.

Vì các xã vùng sâu thường không có xe ô tô đi lại, nên muốn chuyển bệnh phải chuyên chở bằng xuồng máy hay bằng các phương tiện thô sơ như: Xe ba gát tự chế, chuyển bệnh rất nguy hiểm cho người bệnh và chuyển bệnh không kịp thời nên đôi lúc bệnh nhân chết trước khi đến Bệnh viện. Với tình hình thực tiễn của địa phương như thế “Cứu người sống bằng đống vàng”.

Qua đó Hội đã có suy nghĩ phải tạo điều kiện để chuyển bệnh cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, các xã vùng sâu của huyện cũng từng bước thay đổi, đường xá ngày được mở rộng nhựa hóa, bê tông hóa, cầu nông thôn được xây dựng đảm bảo giao thông đi lại thông suốt.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, bắt đầu từ những xe tự chế đưa rước miễn phí người bệnh, dần dần Hội đã đề ra kế hoạch vận động sự đóng góp của cộng đồng nhân dân để mua xe ô tô chuyển bệnh, nhằm có đủ điều kiện đưa rước bệnh nhân kịp thời mọi lúc mọi nơi khi có yêu cầu. Đầu tiên Huyện Châu Phú xin phép cấp ủy Đảng, Chính quyền vận động kinh phí mua xe chuyển bệnh, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia đóng góp để mua được xe ô tô 07 chỗ, những xe này đều là xe ô tô cũ đã qua sử dụng Hội đã mua với giá từ 60 đến 120 triệu đồng/xe; đem về tháo gỡ băng ghế lắp đặt băng ca để cho người bệnh nằm khi chuyển bệnh, được nhân dân ngày càng tin yêu về hoạt động của Hội.

cs1
Khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho Bếp ăn tình thương huyện Thoại Sơn

Được sự tín nhiệm của nhân dân; đến đầu năm 2008 Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh có chủ trương vận động mua xe chuyên dùng, không dùng xe củ cải tạo lại vừa không an toàn, vừa vi phạm pháp luật. Hội đã mạnh dạn đề xuất các cấp ủy Đảng, Chính quyền cho phép Hội vận động nhân dân đóng góp kinh phí để mua xe chuyển bệnh có chất lượng cao là xe chuyên dùng nhập khẩu mới từ Nhật Bản và Hàn Quốc để chuyển bệnh được an toàn và nhanh chóng hơn.

Đầu tiên Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú xin UBND huyện cho phép Hội tổ chức vận động mua xe chuyển bệnh chuyên dùng cho Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện. Hội thành lập Ban vận động, để vận động các tổ chức kinh tế xã hội, các nhà doanh nghiệp, các nông dân có ruộng đất nhiều, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân … Vận động chỉ trong thời gian 60 ngày là Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện mua được 01 xe chuyên dùng mới hiệu HUYN DAI của Hàn Quốc trị giá 470 triệu đồng. Đây là xe chuyên dùng đầu tiên mà Hội đã mơ ước từ lâu, nay đã thành hiện thực và phục vụ chuyển bệnh rất hiệu quả. Với khí thế này, Hội Chữ thập đỏ huyện tiếp tục vận động để mua thêm xe chuyên dùng thứ hai. Chỉ trong vòng có 47 ngày đã đủ tiền mua xe TOYOTA Nhật, trị giá 630 triệu đồng.

Đến nay, mô hình xe chuyển bệnh miễn phí đã được phát triển 11/11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, có xã có từ 2 – 3 chiếc xe. Tính đến nay toàn tỉnh có 176 xe chuyển bệnh miễn phí, trong đó có 79 xe chuyên dùng (trị giá trên 180 tỷ đồng), hằng năm giúp chuyển bệnh trên 6.000 lượt người, trị giá tên 8.300 tỷ đồng từ nguồn vận động trong dân.

Hoạt động xe chuyển bệnh của mỗi xã đều có Ban điều hành do Hội Chữ thập đỏ xã quản lý, khi xe chuyển bệnh về đến nơi đậu vào nhà xe, Ban điều hành kiểm tra, vệ sinh xe, nhiên liệu xăng, dầu và ký lệnh điều xe chạy các tuyến khi có bệnh gọi xe chuyển bệnh. Ngoài ra Ban điều hành còn giao cho tài xế xe giữ số tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng để dự phòng khi xe có sự cố dọc đường và chi phí cho tài xế. Hội nghiêm cấm tài xế nhận tiền của người bệnh hoặc thân nhân người bệnh trên chuyến xe chuyển viện, vì sự nhận tiền như vậy sẽ làm mất lòng tin yêu của nhân dân đối với Hội. Còn việc đóng góp đó dưới sự tự nguyện, khi muốn đóng góp hãy đến Ban điều hành xe để đóng góp; nơi đây tiếp nhận và ra lai ghi ơn cho người đóng góp. Số tiền này được nhập vào Quỹ mua xăng, dầu chuyển bệnh. Nhưng với số đóng góp này không đủ hoạt động nên vào các vụ mùa thu hoạch lúa Hội phải vận động để làm Quỹ dự trữ phục vụ cho đội xe luôn đủ để hoạt động, phục vụ cho nhân dân.

Là xe chuyển bệnh miễn phí, nên tài xế phục vụ cũng không hưởng lương (Tài xế là người tình nguyện); chỉ có chi phí ăn uống cho chuyến đi chuyển bệnh. Đội ngũ tài xế Hội vận động những tài xế trước đây hoạt động kinh doanh, nay đã nghỉ để vào làm công tác nhân đạo. Có nơi phải chọn cán bộ hội viên Chữ thập đỏ đưa đi đào tạo về phục vụ. Do đó, đến nay mỗi xe chuyển bệnh có từ 2 đến 3 tài xế phục vụ mỗi khi có bệnh là xe có tài xế.

Hoạt động của đội xe chuyển bệnh từ xã đến Bệnh viện huyện, tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng tham gia các chương trình y tế như: tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa gia đình … Từ khi có đội xe đến nay, đã giảm hẳn những trường hợp đáng tiếc xảy ra như: Các bà mẹ phải sinh rớt, sinh khó phải tử vong và bệnh nặng phải chết trước khi đưa đến Bệnh viện như trước đây. Hoạt động của xe đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách thiết thực hơn, và đã cứu sống được nhiều người trong cơn thập tử nhất sinh; nên được nhân dân ngày càng tin yêu hoạt động của Hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền đã tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động, đem lai hiệu quả kinh tế chính trị, xã hội nhất định; góp phần cùng địa phương thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách thiết thực và có hiệu quả. Qua đề xuất của Tỉnh Hội, ngày 24-5-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 906/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức, hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang. Hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí chịu sự quản lý của Hội Chữ thập đỏ các cấp, được sử dụng biểu tượng logo của Hội Chữ thập đỏ, không phải trả phí giao thông khi hoạt động chuyển bệnh trên các tuyến đường trong tỉnh có thu phí cầu, đường, phà… Tiếp theo đó, ngày 23-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1678/QĐ-UBND, thành lập Tổ thẩm định cấp giấy chứng nhận hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí. Theo nội dung của quyết định này, xe chuyển bệnh miễn phí đủ điều kiện mới được phép hoạt động và không được thu tiền của người nhà người bệnh. Hoạt động này, Tỉnh Hội được UBND tỉnh duyệt cấp kinh phí gần 110 triệu đồng để tổ chức thẩm định xe chuyển bệnh. Căn cứ đề nghị của Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị, thành phố; đến cuối tháng 9 năm 2012,  Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang đã cấp 66 giấy chứng nhận hoạt động chuyển bệnh miễn phí cho 66 xe đủ điều kiện theo Quy chế đạt 62,85%  xe được thẩm định và tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho 221 lái xe và người theo xe chuyển bệnh miễn phí.

 Bếp ăn tình thương trong các bệnh viện

Phát huy tinh thần "Tương thân tương ái","Thương người như thể thuơng thân, "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta; cùng các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội. Hội Chữ thập đỏ đã phát huy vai trò, nhiệm vụ trong vận động, phát huy các nguồn lực trong cộng đồng tương trợ giúp nhau khi khó khăn ốm đau, hoạn nạn. Hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo bị bệnh phải nằm viện điều trị được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Từ các hình thức hoạt động riêng biệt ở từng địa phương như: cất nhà  ăn, giúp bếp lò, cung cấp nước sôi miễn phí,  giúp củi cho người nuôi bệnh tự nấu ăn, tổ chức xe chuyển bệnh…. Các cơ sở nhân đạo xã hội trong Bệnh viện (nay là bếp ăn tình thương) huyện, tỉnh đã nhanh chóng được xây dựng với qui mô ngày càng phát triển và mở rộng đều khắp, đã tạo cho người dân nghèo bị bệnh an tâm hơn khi nằm viện điều trị, góp phần đáng kể vào hiệu quả của khám chữa bệnh của ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng.

Từ những năm 1980  để giúp cho các gia đình nghèo có người thân nằm viện điều trị  giảm bớt khó khăn thiếu thốn trong thời gian nuôi bệnh ở các Bệnh viện lớn như: Bệnh viện Đa Khoa trung tâm tỉnh, Bệnh viện huyện Phú Tân, Bệnh viện Thị xã Tân Châu hoặc các Hội Chữ thập đỏ xã sở tại đã tổ chức các hình thức như: Nhà nấu ăn, Bếp  ăn với một số bếp củi, thùng khuy hay lu chứa nước, giúp củi, gạo...  để người nuôi bệnh  nấu ăn trong thời gian nuôi bệnh.

Sau năm 1982 Bệnh viện huyện Phú Tân (Bệnh viện đầu tiên thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm) hoàn thành, số lượng người bệnh nằm viện ngày càng tăng cũng làm tăng nhu cầu trợ giúp cho người bệnh nghèo. Hội Chữ thập đỏ huyện và thị trấn Phú Mỹ đã đi tiên phong trong việc hình thành các tổ cơm, cháo, nước sôi từ thiện, điều hành bởi những người tự nguyện, nhận quyên góp tiền, gạo, củi… từ các nhà hảo tâm để giúp người bệnh nghèo có được những bữa cơm, cháo, nước sôi… miễn phí trong những ngày điều trị ở bệnh viện.

Được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp; Hội Chữ thập đỏ bàn bạc trong Ban Chấp hành và được sự ủng hộ của Ban Giám đốc Bệnh viện, đã tổ chức Chi Hội Chữ thập đỏ trong Bệnh viện thành lập cơ sở từ thiện (nay là bếp ăn tình thương); qua những hoạt động thiết thực của cơ sở, người dân trong địa phương, người nuôi bệnh có khả năng đã đóng góp thêm tiền của, vật chất, gạo, củi... tạo điều kiện cho cơ sở phục vụ tốt hơn: giúp tiền mua thuốc, mua xe hoặc ghe chuyển bệnh.... Từ mô hình có hiệu quả thiết thực này, năm 1990 với sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ xã hội - từ thiện của UBMTTQ tỉnh, Hội CTĐ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang được hình thành và từ đó  kinh nghiệm tổ chức và hoạt động  của  cơ sở nhân đạo-xã hội trong Bệnh viện được Tỉnh Hội nhân rộng. 

Các Bệnh viện huyện, thị, thành phố Châu Đốc, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới… từng  bước được tổ chức và đi vào hoạt động. Đến năm 2002 Bệnh viện huyện Châu Phú cũng được tổ chức và đưa vào hoạt động đạt 100%; hiện có 11 bếp ăn tình thương với trên 700 người tự nguyện thay phiên nhau người phục vụ ngày đêm.

Hoạt động của các bếp ăn tình thương chủ yếu gồm: Cung cấp cơm, cháo, nước sôi miễn phí hằng ngày;vận động Mạnh Thường quân, Hội viên và gia đình người nuôi bệnh có khả năng... giúp tiền cho bệnh nhân nghèo mua thuốc trị bệnh; Giúp xe chuyển bệnh lên tuyến trên hoặc chuyển về nhà. Hầu hết các bếp ăn đều có ô tô chuyển bệnh miễn phí do Hội vận động mua sắm. Cá biệt có nơi có từ 3-4 xe chuyển bện miễn phí và xe tải, ghe lớn đi vận động lúa, gạo, củi, rau củ....

Ngoài ra, các bếp ăn tình thương vận động Hội viên, Mạnh Thường Quân giúp tiền, thuốc, dầu ăn, sữa... hỗ trợ chương trình suy dinh dưỡng của Bệnh viện, vận động kinh phí mổ mắt, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho các bệnh nhân phẩu thuật, lao phổi... Bếp ăn tình thương Bệnh viện huyện Phú Tân vận động mua ghế xếp giúp chỗ nghỉ cho người nuôi bệnh; trong các năm có thiên tai lớn nhiều bếp ăn đã vận động Hội viên, Mạnh Thường Quân hoặc xuất hỗ trợ gạo hoặc tổ chức cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, vận động tiền, thuốc chữa bệnh phối hợp khám bệnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng kháng chiến củ.... Hằng năm, các bếp ăn tình thương tiếp nhận tiền, hàng hóa.....Trị giá trên 210 tỷ đồng, hàng trăm ngàn tấn gạo; phục vụ hàng ngàn lượt người/năm.

HH