6 tháng đầu năm, các nhà băng báo lãi 'khủng', kinh tế lạc quan

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Mặc dù chưa đến mùa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2018 nhưng một vài con số được hé lộ đã cho thấy một viễn cảnh tươi sáng về tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng đều có lợi nhuận vượt trội

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) cho biết, nửa đầu năm lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2017 và bằng 55% kế hoạch cả năm 2018.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ước tính đạt khoảng 5.200 tỷ, tăng hơn 8% và đạt 48% kế hoạch năm. Hết quý II, VietinBank thông báo đã thực hiện thành công mục tiêu mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đây cũng là ngân hàng tiếp theo không còn nợ xấu bên cạnh Vietcombank, Techcombank và MBBank.

Các ngân hàng ngoài quốc dân cũng có kết quả nửa đầu năm nay khả quan với mức tăng trưởng khá.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank - Mã: TPB) thông báo lãi trước thuế sau khi trích dự phòng đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), tuy chưa công bố kết quả kinh doanh bán niên, nhưng đưa tin từ VnEconomy thì lợi nhuận trước thuế sau 5 tháng đầu năm đạt tới 918 tỷ đồng, tăng đến 230% cùng kỳ.

Đặc biệt hơn là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) trong 6 tháng đầu năm báo lãi trước thuế 311 tỷ đồng, đạt đến 97% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Cũng theo Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê - Ngân hàng Nhà nước cho thấy hầu hết các TCTD đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước.

67,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh trong quý II cải thiện tốt hơn so với quý I, trong đó 18,8% là cải thiện nhiều; 76,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III và 82,6% TCTD hy vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong cả năm 2018 so với năm 2017, trong đó 20,7 - 32,6% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều.

Thay_gi_tu_ket_qua_kinh_doanh_6 thang_dau_nam_nganh_ngan_hang

Kết quả tất yếu từ chính sách hợp lí

Theo đánh giá của ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tín dụng năm nay tăng trưởng khá đồng đều và không có dấu hiệu giật cục như giai đoạn trước. NHNN luôn yêu cầu các ngân hàng thương mại giám sát chặt chẽ các khoản vay, đặt an toàn chất lượng tín dụng lên hàng đầu thay vì chạy theo số lượng.

Hiện lãi suất trên thị trường tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND dao động ở mức 4,2%-8% (lãi suất huy động bình quân khoảng 5,2%). Lãi suất cho vay VND ở mức 7-11%, lãi suất cho vay USD ở mức 2,4-7% (lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,8%). Một số ngân hàng giảm lãi cho các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng tốt, mức giảm khoảng 0,5%.

Ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ xấu... Để giảm phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng tiếp tục nâng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ trong tổng nguồn thu của ngân hàng lên khoảng 20-40%, thay vì ở mức 10-15% như hiện nay.

Mức tăng trưởng phản ánh điều gì?

Mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng điều này phản ánh quan điểm thận trọng hơn của NHNN về (1) hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, trong năm nay là 17% so với hạn mức ban đầu của năm ngoái là 18% và (2) tiền gửi tiết kiệm tăng thấp hơn dự kiến, ước tính đã tăng 7,96% tính đến ngày 20/6 (cùng kỳ năm ngoái: 6,75%). NHNN tỏ ra lo ngại lạm phát tăng tốc và sự giảm giá của tiền đồng có thể ảnh hưởng đến môi trường lãi suất thấp hiện tại.

Và cơ quan quản lý cho rằng thận trọng hơn trong cho vay cùng với giảm tốc độ tăng trưởng tiền gửi ngân hàng là giải pháp đầu tiên để ngăn chặn rủi ro này. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 7, 88% hoặc thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng là rất khả quan. Trong khi đó định giá cũng đã giảm rất nhiều.

Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7, 88% so với mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoài là 9,06%.

“Chúng tôi nâng hạng đánh giá cao hơn mặt bằng thị trường đối với ngành ngân hàng. Tín dụng tăng chậm lại phản ánh sự thận trọng từ phía NHNN đối với cung tiền gửi ngân hàng và cho vay mới do lạm phát đang tăng tốc. Ổn định lạm phát và tỷ giá trở thành những mục tiêu được ưu tiên hơn. Do đó, hạn mức tín dụng sẽ được phân bổ nghiêm ngặt. Trên thực tế thì tỷ trọng rủi ro cao hơn áp dụng cho các khoản cho vay BĐS tăng cùng với hệ số an toàn tối thiểu thấp ở một số ngân hàng lớn như Ngân hàng thương mại đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng làm chậm lại tăng trưởng tín dụng.”

Thay_gi_tu_ket_qua_kinh_doanh_6_thang_dau_nam_nganh_ngan_hang1
Tăng trưởng tín dụng đều từ đầu năm 2018

Bức tranh ngành ngân hàng tươi sáng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Quan trọng nhất, các tổ chức tín dụng kinh doanh có lãi là điều kiện tiên quyết để thi hành một chính sách tiền tệ có lợi cho nền kinh tế. Điều này cho phép Bộ tài chính có thể điều tiết tình hình lạm phát từ nay đến cuối năm (hiện đang ở mức cao), ngành bất động sản cũng dễ thở hơn để tiếp tục đà tăng trưởng từ 2017 và các hoạt động kinh doanh cần huy động nguồn vốn vay lớn từ các ngành khác cũng sẽ thuận lợi hơn.

Chi Chi