3 người nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc do ăn nhầm so biển

Nguyễn Diệp Linh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đang điều trị tích cực cho ba bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn sam bị nghi là ăn nhầm so biển ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).

Công an thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đang điều tra, làm rõ một vụ nghi ngộ độc khi ăn sam biển. Theo thông tin ban đầu, nghi vấn những người này đã ăn nhầm con so biển (có hình dáng rất giống con sam).

Thông tin ban đầu, vào lúc 21h ngày 4/2, nhân viên cùng chủ một quán ăn trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã hấp 2 con sam biển để ăn. Con sam thứ nhất có 4 người ăn, con thứ hai có 6 người ăn.

Sau khi ăn khoảng 30 phút, 3/6 người ăn con sam thứ hai có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê các ngón tay và nôn. Chủ quán đã đưa 3 người này vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cấp cứu nhưng tiên lượng nặng. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đã chuyển 3 bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Sức khỏe - Khánh Hòa: 3 người nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc do ăn nhầm so biển

Bể chứa sam biển được ghi nhận tại quán. Ảnh: CA cung cấp

Trên đường đưa 3 bệnh nhân đi chuyển viện thì ông N.V.S (sinh năm 1988, ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa; chủ quán gọi ông S. bằng dượng) ngưng tim, ngưng hô hấp nhưng đã được các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại tiên lượng xấu.

Hai người còn lại phải nhập viện cấp cứu là N.G.H (sinh năm 2007, trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa; cháu gọi ông S. bằng dượng) và N.P.Q (sinh năm 2004, trú phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa; nhân viên quán). Hiện tại, sức khỏe cả hai đã ổn định.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Nhiều người do chưa phân biệt được con so và con sam biển nên đã sử dụng nhầm dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì trong con so biển có chứa chất tetrodotoxin cực độc.

Con sam (tên khoa học là Tachypleus tridentatus) có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20cm), dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua.

Con sam cái nặng khoảng 1kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đặc điểm của loài sam là luôn luôn đi đôi.

Còn con so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda) có hình dáng rất giống con sam, tuy hình dáng gần giống hệt con sam nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ đi một mình.

Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, gây tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá hủy, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.

Sau khi ăn phải so biển, chất tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ mấy giờ sau các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Liều tử vong đối với người là 1 - 2mg và nguyên nhân tử vong là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.

Hạnh (T/h)