Sau Tết Nguyên đán, chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, đông người dân đến bệnh viện trên địa bàn thành phố để khám, chữa bệnh.

Nhiều người nhập viện cấp cứu do tai nạn, ngộ độc

Tuổi Trẻ Thủ Đô đưa tin Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin về tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn, ngộ độc của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc trong dịp Tết cho biết, tính đến 7h ngày 27/1, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh 127.396 bệnh nhân.

Sau 7 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 6), tổng số ca khám, cấp cứu tại các bệnh viện là 381.216 ca, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 173.351 ca, tăng 38,9%. Tổng số ca phẫu thuật các loại là 19.435 ca, tăng 11,4%.

Đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão có đến 3.443 ca cấp cứu vì đánh nhau, 43% trong số đó là 1.487 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và có 11 trường hợp tử vong.

Về số ca khám, cấp cứu và nhập viện do tai nạn giao thông, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đã có gần 30.000 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 10,4% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, gần 11.000 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 15%), 235 người tử vong vì tai nạn giao thông, giảm 7% so với Tết 2022.

Về tai nạn lao động, sinh hoạt, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, trong 7 ngày nghỉ Tết có 13.950 ca khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 4,3% trong tổng số khám, cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có 23 ca tử vong.

Cũng theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, số liệu thống kê cho thấy, tai nạn giao thông tăng số nhập viện, nhưng giảm số ca tử vong; tai nạn đánh nhau giảm, trong khi đó tai nạn do pháo nổ tăng cao so với Tết Nhâm Dần 2022.

Trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho Nhân dân.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình còn dư thừa thực phẩm. Việc bảo quản không đúng cách, chế biến đi chế biến lại và sử dụng các thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc để quá lâu ngày, để nấm mốc... dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Sức khỏe - Sau Tết Nguyên đán, chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết

Theo báo Lao Động, Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết nhiều người thường cho rằng chất độc có trong thực phẩm và vi khuẩn gây bệnh, mà không biết là nấm mốc cùng độc tố của chúng cũng rất nguy hiểm. Khoa học đã chứng minh, ăn thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính nếu cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.

Bác sĩ Tiến nhấn mạnh ước tính gần 40% loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, mức độ khác nhau nên gây bệnh khác nhau. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng... Độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận... Do đó, thực phẩm bị nấm mốc thì không nên ăn.

"Cảnh giác với bánh chưng mốc, kiên quyết bỏ chiếc bánh đã bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng... Bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài có thể cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn", bác sĩ Tiến nói.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm thường đến từ 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).

Do tác nhân gây độc là rất đa dạng, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phong phú. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.

Bác sĩ Nguyên nói thêm, hầu hết triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bắt đầu từ đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Tuy nhiên nếu diễn biến nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp ở đường tiêu hóa như thần kinh, tim mạch, hô hấp...

Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất dù là ngộ độc nặng hay nhẹ, ít hay nhiều người mắc.

Trường hợp bị ngộ độc nhẹ

- Dấu hiệu ngộ độc nhẹ như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy...

- Nếu các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm xảy ra trước 4-6 giờ sau khi ăn;

khi đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày, chưa xuống ruột, trường hợp này cần khẩn trương làm cho người bị ngộ độc nôn ói để tống thức ăn bị nhiễm độc ra khỏi dạ dày.

+ Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo

có thể cho bệnh nhân uống dung dịch nước muối loãng (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm), rồi ngoáy họng để kích thích nôn.

+ Trường hợp bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được phép gây nôn, đề phòng bệnh nhân bị sặc.

+ Đối với trường hợp người ngộ độc bị tiêu chảy: nên uống nhiều nước,không nên uống sữa. Để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể. Mặt khác uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.

Trường hợp bị ngộ độc nặng

- Dấu hiệu như nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, đau đầu, tê môi, nổi mẩn đỏ...Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để cấp cứu.

Phòng ngừa là cách chữa bệnh tốt nhất trong hàng loạt các biện pháp đối phó với các vấn đề ngộ độc thực phẩm . Vậy nên, các bà nội trợ hãy lưu ý để tránh những rủi ro đáng tiếc, nhất là cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Trúc Chi (t/h)