Bạo hành con ruột, cha đối diện hình phạt nào?

Nguyễn Diệp Linh
Luật sư cho biết người cha có thể phải chịu mức án lên tới 10 năm tù. Việc sử dụng rượu bia trước khi hành hung bé trai không phải tình tiết giảm nhẹ.

Sáng 21/10, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, bắt khẩn cấp Nguyễn Thành Luân (37 tuổi, người địa phương) để điều tra về hành vi bạo hành con trai tên N.A.H. (10 tuổi).

Trước đó, tối 19/10, sau khi đi nhậu về, Luân nghi con trai lấy cắp 100.000 đồng nên dùng dây thắt lưng đánh vào người, mặt và mông của cháu H. Người cha còn bắt con trai cởi hết quần áo, quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh. Luân còn dùng dây thắt lưng đeo vào cổ dắt cháu H. bò từ căn hộ xuống cầu thang, bò ra ngoài đường rồi bắt bò vào căn hộ.

Hành vi của Nguyễn Thành Luân được camera an ninh của chung cư ghi lại.

Bao hanh con ruot anh 1

Hình ảnh cắt từ video ghi hình của chung cư.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng Luật Hưng Yên, cho biết dấu hiệu bạo hành của người cha bao gồm những hành động như dùng tay, dây thắt lưng đánh nhiều lần vào người, mặt và mông của cháu H.; bắt con trai cởi hết quần áo và quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh; dùng dây thắt lưng đeo vào cổ dắt cháu H. Bước đầu, có thể thấy đây là hành vi bạo lực trẻ em.

Dựa vào những thông tin ban đầu, có thể nhận định rằng người cha đã vi phạm Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Tùy theo kết quả xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân, nghi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích và bị phạt tù lên đến 10 năm tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2017.

Bên cạnh đó, người cha cũng có thể chịu chế tài hình sự về tội ngược đãi, hành hạ con cháu và tội hành hạ người khác tại Điều 185 và Điều 140 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Bao hanh con ruot anh 2

Nguyễn Thành Luân đã bị bắt khẩn cấp.

Về tình tiết người cha uống rượu trước khi bạo hành con, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Giám đốc Công ty Luật TAT Law Firm - người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 13 Bộ luật hình sự 2015 hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, dù khi gây án người phạm tội ở trạng thái mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Hành vi sử dụng rượu, bia khi thực hiện hành vi phạm tội được coi là tình tiết định khung tăng khi phạm tội liên quan đến an toàn giao thông, như tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS). Đối với các loại tội phạm khác, người phạm tội thực hiện hành vi trong lúc đã sử dụng rượu, bia không được xem là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt.

Do đó, chi tiết sử dụng rượu bia trước khi hành hung con trai của Luân không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự mà nghi phạm phải chịu trước pháp luật.

Theo Zing News