Việt Nam sẽ nghiên cứu vaccine phòng ung thư

Đặng Thu Hằng
Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới kết hợp truyền thống để sản xuất vaccine phòng ung thư, theo quyết định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 25/10.

Theo Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến 2025 làm chủ công nghệ 10 loại vaccine; sản xuất được 3 loại, trong đó có vaccine năm trong một (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh do Haemophilus Influenzae (Hib) và một trong hai bệnh bại liệt hoặc viêm gan B); năm 2030 làm chủ công nghệ 15 loại vaccine; sản xuất được 5 loại, đạt tiêu chuẩn tương đương quốc tế.

Để đẩy mạnh sản xuất các loại vaccine, nhiều chính sách đặc thù sẽ được ban hành. Quy định về cấp phép lưu hành, đấu thầu, mua sắm, cung ứng cũng được xây dựng. Việc chuyển giao công nghệ mới về nghiên cứu, sản xuất vaccine sẽ được nhà nước hỗ trợ. Các chuyên gia trong và ngoài nước về sản xuất vaccine sẽ được bồi dưỡng.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư, hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế trong đào tạo nhân lực; nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vaccine phòng bệnh mới nổi, nguy hiểm, khả năng lây nhiễm cao hoặc chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

7298-1666794436-1666808225.jpeg
Khám và điều trị ung thư tại khu xạ trị của bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ngày 13/5/2021. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Tháng 9/2022, GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho hay có hơn 300.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư. Năm 2020, toàn quốc có hơn 182.000 người mắc ung thư mới; 122.000 người qua đời vì bệnh này.

Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học thế giới cố gắng nghiên cứu vaccine chống bệnh ung thư. Có hàng chục ứng viên vaccine đang được nghiên cứu trên khắp thế giới, bao gồm vaccine phòng ngừa và điều trị. Trong đó, vaccine điều trị có thể phân biệt tế bào khối u với tế bào bình thường nhằm kích thích phản ứng miễn dịch chống lại chúng. Các nhà nghiên cứu cũng đang xây dựng danh sách thuốc điều trị miễn dịch để tăng cường hiệu quả vaccine.