Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân: Làm sao để tận dụng 'cơ hội vàng', tránh 'chưa giàu đã già'?

Đặng Thu Hằng
Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân, với cơ cấu dân số trẻ, sẽ có cơ hội vàng để tận dụng nguồn nhân lực này nhưng cũng là thách thức trong quản lý.

Cơ hội vàng để tăng trưởng

Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), dân số nước ta hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội bày tỏ vui mừng trước thông tin này. Ông cho rằng, Việt Nam sắp đạt 100 triệu dân đúng thời kỳ dân số vàng, tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao (15-64). Chúng ta đạt 100 triệu dân khi mà mức sinh đạt thấp.

Việt Nam sắp đạt mốc 100 triệu dân: Làm gì để thoát cảnh "chưa giàu đã già"? - Ảnh 2.

Việt Nam sắp đạt mốc 100 triệu người, là thời cơ vàng để phát triển.

Từ 2005, mỗi phụ nữ Việt Nam đã sinh 2 con. Mô hình hai con đã phổ biến, giữ vững cho tới nay. Nhiều nước khi đạt 100 triệu dân, mức sinh rất cao, nên họ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế. Chúng ta giữ mức sinh tốt và đã gặt hái được quả ngọt. Quy mô dân số lớn, quy mô gia đình nhỏ, chính là điều kiện để các gia đình chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt. Hai yếu tố tạo điều kiện chất lượng dân số cao.

"Cơ cấu dân số vàng đã mang lại nhiều dư lợi về lao động. Tôi ví dụ, cũng với 100 triệu dân nhưng với cơ cấu hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng nếu với cơ cấu dân số năm 1979 thì chúng ta chỉ có 52 triệu dân. Như vậy, riêng cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi đã mang lại dư lợi 16 triệu lao động.

Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng chỉ nói về số lượng lao động nhiều. Để tận dụng cơ hội này, chúng ta cần trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu % những người trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc? Bao nhiêu % những người có khả năng làm việc, có việc làm? Và bao nhiêu % những người có việc làm, làm việc với năng suất cao? Trả lời những câu hỏi trên sẽ cho thấy chúng ta chưa tận dụng hiệu quả thời cơ dân số vàng", GS Nguyễn Đình Cử phân tích.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, khi dân số tăng, với cơ cấu trẻ thì cần có các chính sách để tận dụng. Nhà nước cần phát triển hệ thống y tế, giáo dục làm sao để thúc đẩy phát triển nhân lực, thể lực, trí lực, để người lao động Việt Nam sẽ được ra ở tuyến đầu và cả tuyến cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu. Phải tăng năng suất lao động, không có con đường nào khác. Và điều này phụ thuộc vào chúng ta nằm ở công đoạn nào của chuỗi sản xuất. Nếu nằm ở chuỗi giữa thì sẽ mãi thu nhập thấp, năng suất sẽ không thể tăng lên được.

Những thách thức phải giải quyết

"Nếu 100 triệu dân nhưng kinh tế không phát triển, trình độ dân trí thấp thì rất khó phát triển. Nhưng nếu 100 triệu dân kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao thì nó lại là cơ hội phát triển rất lớn. Việt Nam là một thị trường lớn, đông dân, nhiều lao động với hơn 50 triệu lao động, do đó có điều kiện để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển cả công nghiệp và dịch vụ. Dân số đông, lực lượng dồi dào là một sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, về mặt thách thức thì 100 triệu dân cũng đặt ra vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, nhất là khi diện tích đất đai bình quân đầu người thấp rồi biến đổi khí hậu… thì việc đảm bảo giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường cho 100 triệu dân sẽ là bài toán không hề đơn giản" - GS.TS Nguyễn Đình Cử lưu ý.

GS Nguyễn Đình Cử phân tích, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2045 đạt thu nhập trung bình cao. Chúng ta đang có lợi thế cơ cấu dân số trẻ, với lực lượng nhân lực trong độ tuổi thanh niên 15 - 24 hiện có khoảng trên 18 triệu người. Lực lượng này sau sẽ trở thành tuổi lao động, nếu tận dụng tốt được lực lượng đó chắc chắn đạt được tăng trưởng cao.

Tất nhiên, chúng ta có tận dụng được hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách. Chính sách đưa ra cần đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến vi mô, từ các chính sách về kinh tế đến giáo dục, y tế, sức khỏe, an sinh xã hội để tạo ra một lực lượng lao động với sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống tốt, khi đó họ sẽ lao động, cống hiến, tạo năng suất lao động hiệu quả.

Khi thời kỳ dân số vàng kết thúc, nước ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2038. Nếu không phát huy tối đa lợi thế dân số vàng thì người Việt có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già", nhất là khi nước ta được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Cử cũng cho rằng không nên chỉ nhìn ở khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn ở khía cạnh tích cực của già hóa dân số. "Hiện nay nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục khỏe mạnh và vẫn tiếp tục làm việc, chiếm khoảng 8% lực lượng lao động ở nước ta. Đây là nhóm người có kinh nghiệm trong sản xuất, trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cái thứ hai là khi người cao tuổi đông lên thì nó cũng mở ra một thị trường mới đó là cung cấp dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi".

Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là cơ hội hiếm hoi để các quốc gia cất cánh về kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Đối với nước ta, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm. Vì vậy, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để phát triển vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau.