VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam

Nguyễn Hồng Hạnh
Sáng 19/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc.
6-quy-tac-1-1652952669.jpg
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII với mục tiêu "Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp", VCCI đã xây dựng 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

6-quy-tac-2-1652952669.jpg
Quang cảnh buổi lễ

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, thực tế hiện nay, đại đa số doanh nhân Việt Nam làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo đang nỗ lực vươn mình vượt khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI chỉ ra, vẫn còn những mặt yếu kém, hạn chế làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững, vấn đề phẩm chất đạo đức cần được nhấn mạnh. “Để xây dựng văn minh kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, cốt lõi đầu tiên cần chú trọng là vấn đề con người”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Là một chuyên gia trực tiếp tham gia xây dựng Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI đánh giá: “Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, việc VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành trong hội viên và cộng đồng doanh nhân cả nước là rất quan trọng, kịp thời và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với việc có những phẩm chất đạo đức chung, thống nhất được việc triển khai trong đội ngũ doanh nhân sẽ không chỉ phát huy những giá trị truyền thống dân tộc mà còn tạo thêm những giá trị thặng dư khác, tạo nên sức mạnh mềm, uy tín và lợi thế trong hoạt động kinh doanh.

NH