TP Hồ Chí Minh đầu tư 700 tỷ đồng xây Ngân hàng máu

Đặng Thu Hằng
TP Hồ Chí Minh chi gần 700 tỷ đồng xây Ngân hàng máu, trong bối cảnh Ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu huyết học có dấu hiệu quá tải.

Nội dung này được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua tại kỳ họp chuyên đề, ngày 19/9. Thời gian thực hiện dự án Ngân hàng máu từ năm 2023 đến 2026. Địa điểm xây dựng tại cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Khi nơi đây đi vào hoạt động, công suất tối đa tiếp nhận đến năm 2050 là một triệu đơn vị máu mỗi năm.

Đây sẽ là ngân hàng máu thứ hai tại TP Hồ Chí Minh. Ngân hàng máu đầu tiên đặt tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, nhiều năm qua đáp ứng đầy đủ nhu cầu máu của các đơn vị khám chữa bệnh trong toàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nơi đây có dấu hiệu quá tải, vượt công suất hoạt động.

Sáu năm trước, cả nước có 96 triệu dân, số đơn vị hiến máu tiếp nhận được 1,4 triệu, tương đương 1,46% dân số hiến máu. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/3 số đơn vị máu tiếp nhận được. Hiện, dân số Việt Nam tăng lên khoảng hơn 100 triệu người. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2022 tối thiểu 2% dân số hiến máu. Còn theo Ngân hàng máu thế giới, để đáp ứng nhu cầu điều trị thì số lượng người hiến máu cần chiếm khoảng 4% dân số. Như vậy, ước tính đến những năm 2022-2050, số lượng máu cần thu gom sẽ tăng dần đến 4% dân số, đạt khoảng 4 triệu đơn vị máu mỗi năm.

Từ phân tích trên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng một ngân hàng máu mới tại thành phố với quy mô công suất tối đa lên đến một triệu đơn vị mỗi năm là cần thiết.

Đại diện Bệnh viện Truyền máu huyết học cũng cho hay nhu cầu cung cấp chế phẩm máu trong những năm tới rất lớn và Ngân hàng máu của bệnh viện "đang đuối sức". Do đó, rất cần thiết xây dựng Ngân hàng máu mới với quy mô lớn hơn để phục vụ dài hạn cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

Cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh nơi đặt Ngân hàng máu. Ảnh: Quỳnh Trần.Cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh, nơi xây dựng Ngân hàng máu thứ hai tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh viện Truyền máu huyết học là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về truyền máu và huyết học tại khu vực phía Nam. Đây là nơi tổ chức tiếp nhận, điều chế, bảo quản, phân phối máu và các chế phẩm từ máu cho các cơ sở điều trị, mục tiêu ban đầu là điều chế và cung cấp mỗi năm 250.000 đơn vị.

Năm 2019, ngân hàng máu tại bệnh viện được công nhận đạt chứng nhận GMP châu Âu, đòi hỏi cơ cấu tổ chức, trình độ nhân sự, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật, sản phẩm đầu ra đều phải đạt chuẩn chất lượng của Ngân hàng máu thế giới.