Các bệnh về nhiễm trùng có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Lã Thị Thúy hằng
Theo phân loại của WHO thì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn ở mức cao. Đáng lưu ý là tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có mối liên quan đến khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng về đường tiêu hóa. Vì vậy dinh dưỡng đúng và đủ, giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật.

Mối liên quan giữa tình trạng suy dinh dưỡng và các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ

“Theo nghiên cứu gần đây nhất năm 2021, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đã giảm xuống còn 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ đó còn cao đối với trẻ em 5 tuổi. Hà Nội là thành phố lớn, nơi mà các bố mẹ chăm sóc con cái tốt thì cũng ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ này có nguy cơ tăng cao hơn so với trẻ mắc các bệnh lý khác”, Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân – Trưởng khoa Nhi tiêu hóa dinh dưỡng truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul nhận định.

Ths.BS Nhân cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, số trẻ đến khám liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Hà Nội gia tăng. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 trẻ đến khám thì có tới 3-5 trẻ đã có chuyển biến nặng. Đáng lưu ý là nhiều trẻ bị khi tuổi còn quá nhỏ, biểu hiện không rõ ràng nên bố mẹ thường chủ quan, không cho trẻ khám sớm cho đến khi con không tăng cân trong thời gian dài.

Ở trẻ nhỏ hơn, các bệnh nhiễm trùng (gồm nhiễm vi khuẩn, vi rút và ký sinh vật) đều có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ngược lại, suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và vòng xoắn bệnh lý này cứ thế tiếp diễn nếu không có can thiệp hoặc xử trí phù hợp. Nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy ảnh hưởng rất trầm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của đứa trẻ. Nhiễm trùng dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa do đó làm giảm hấp thu, đặc biệt các vi chất, làm cho kháng nguyên và các vi khuẩn đi qua nhiều hơn.

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiễm trùng làm tăng hao hụt các chất dinh dưỡng, trẻ ăn kém hơn do giảm ngon miệng. Người ta ước đoán rằng nhiễm trùng ảnh hưởng đến 30% sự giảm chiều cao ở trẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng có thể dao động theo mùa và thường cao trong những mùa có các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao (tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét, sởi và các bệnh ký sinh trùng đường ruột).

Các bệnh về nhiễm trùng có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Suy dinh dưỡng trẻ em sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

Các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ gồm có: Táo bón, tiêu chảy kéo dài, bệnh lý viêm dạ dày. Bệnh lý tiêu chảy được xác định khi trẻ bị tiêu chảy 3 lần/ngày trở lên, có hiện tượng phân lỏng, thời gian kéo dài hơn 14 ngày. Ở nhóm bệnh này, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn so với các bệnh lý tiêu hóa khác.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em là một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm

Phòng bệnh tiêu chảy kéo dài mùa hè cho trẻ

“Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh về đường tiêu hóa thường xâm nhập qua các con đường: miệng – miệng, tay – miệng hoặc thân – miệng. Và, khi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng lây nhiễm từ miệng vào thì sẽ gây tổn thương biểu mô đường ruột, trẻ sẽ bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy cấp tính hay mãn tính”, Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân cho biết.

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên tiêm vaccine cho trẻ. Tiếp theo là giữ vệ sinh tuyệt đối khi chế biến đồ ăn cho trẻ, lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, việc rửa tay cũng nên thường xuyên thực hiện đầy đủ…

Trong trường hợp, trẻ đã bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, ngoài những nguyên tắc trên, các mẹ chú ý lựa chọn chế biến những món ăn dễ tiêu, đã được ninh nhừ, bổ sung nước uống hằng ngày, không cho trẻ ăn quá ngọt hay chua, vì sẽ tăng áp lực thẩm thấu khiến trẻ khó tiêu hóa. Hạn chế ăn đồ đạm và dầu mỡ nhưng cũng không nên quá kiêng khem vì đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu vi chất và suy dinh dưỡng.

Lã THúy