Thái Lan cân nhắc phương án làm việc từ xa vì bụi mịn tăng lên mức nghiêm trọng

Đặng Thu Hằng
Nhà chức trách Thái Lan đang cân nhắc các biện pháp làm việc từ xa tại thủ đô Bangkok do mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn gia tăng nghiêm trọng.

Tình trạng bụi mịn (PM2.5) ở thủ đô Bangkok cùng nhiều tỉnh khác ở Thái Lan vẫn ở mức nghiêm trọng. Tính đến ngày 13/3, nhiều khu vực ở Bangkok và các khu vực lân cận có mật độ bụi mịn PM2.5 dao động từ 51 - 88 μg/m³.

Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm (PCD) Pinsak Suraswadi cho biết bụi mịn gia tăng do thay đổi thời tiết đột ngột tại thủ đô, kết hợp với khói bụi từ các vụ cháy rừng từ các nước lân cận thổi sang.

y1-1678684224.jpg
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: Thaiger)

PCD cảnh báo tình trạng bụi mịn có thể trầm trọng hơn trong tuần tới tại Bangkok, đặc biệt từ ngày 15 đến 18/3 khi gió mang theo bụi mịn từ các khu vực bên ngoài thổi vào thủ đô.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan ông Anupong Paochinda cho biết người dân ở Bangkok có thể được yêu cầu làm việc tại nhà, như đề xuất trước đó của Tòa thị chính, nếu vấn đề PM2.5 không sớm giảm bớt. Biện pháp này cũng sẽ ngăn nhiều phương tiện lưu thông trên đường và nhờ đó giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm.

Theo Bộ trưởng Anupong Paochinda, chính sách cho phép làm việc từ nhà nên được thực hiện bắt đầu từ những người trong khu vực tư nhân và mở rộng đến các cơ quan chính phủ nếu tình hình ô nhiễm bụi mịn không được cải thiện.

Ông cũng nhấn mạnh rằng cần có các biện pháp nghiêm ngặt để giảm ô nhiễm bụi mịn do đốt nương làm rẫy trong rừng và các khu vực canh tác, cũng như các hoạt động công nghiệp và công trình xây dựng ở thành phố và các tỉnh. Ngoài ra, có thể xem xét việc cấm một số loại phương tiện đi vào đường vào những thời điểm nhất định.

Trong khi đó, ông Praphan Phongkiatkul, Chủ tịch Hiệp hội chất lượng không khí trong nhà (IAQA), đề nghị mọi người đeo khẩu trang như biện pháp bảo vệ cơ bản để tránh bụi mịn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ở dưới mức khuyến nghị, cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ, những bệnh ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác mà chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá gây ra.

Vào năm 2021, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20 mcg/m3 xuống 15 mcg/m3. WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.

Thu Hằng