Tết của những “phu đường” trên công trường giao thông trọng điểm

Đặng Thu Hằng
Trên công trường trọng điểm Quốc gia-cao tốc Bắc-Nam năm nay có rất nhiều kỹ sư, công nhân vì công việc, tiến độ của dự án mà phải gác lại “tình riêng”, ở lại công trường ăn Tết…

Nhớ gia đình, thiếu thốn tình cảm của người thân nhưng cũng cảm thấy đầy tự hào khi đóng góp một phần công sức trong quá trình xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước là cảm xúc chung của mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành giao thông vận tải khi phải bám trụ trên công trường trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Nhớ nhà muốn rơi nước mắt trong đêm giao thừa

Tại gói thầu XL3 dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, ông Lê Trung Hải, Tư vấn giám sát hiện trường cầu Yên Mỹ thuộc (Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long) cho biết năm nay sẽ ở lại ăn Tết công trường cùng anh em. Ông cho biết, đây không phải là lần đầu ăn Tết xa nhà, ăn Tết ngay trên công trường.

“Làm xuyên Tết đôi khi nghĩ cũng thấy thật vui. Ở công trường không được đi thăm hỏi họ hàng nhưng lại được nhiều đoàn thể, đơn vị ở địa phương, làng xóm quanh dự án, cũng như cơ quan tới thăm, chúc Tết đó là sự động viên rất lớn”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, chẳng ai muốn phải xa gia đình trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, nhưng vì tiến độ dự án công trình mới phải làm xuyên Tết. Đặc biệt, QL45 - Nghi Sơn là dự án trọng điểm nên các anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân đều cảm thấy tự hào khi được tham gia góp sức vào dự án này.

Ngày Tết khác ngày thường ở chỗ kết thúc ca thi công, anh em trên công trường sẽ gói bánh chưng, làm giò, chả, người thì đi mua cây đào, cây quất, anh em khác thì làm gà, nấu thịt đông, sắm sửa, bày biện mâm cơm cúng giao thừa…

“Bữa cơm đêm giao thừa rất thú vị với những món ăn mang hương vị đặc biệt của các vùng miền, địa phương. Khi ăn, mọi người hào hứng kể về quy trình thực hiện món ăn do mình làm. Tết trên công trường có cái hay ở chỗ đó”, ông Hải kể.

Dẫu vậy, phía sau bữa cơm giao thừa đầy niềm vui của anh em vẫn là những nỗi niềm của những người thân ở quê nhà. “Anh em nào có gia đình thì vợ con buồn, anh em nào chưa có gia đình thì bố mẹ buồn. Ai cũng vậy, cả năm bươn trải làm ăn, chỉ mong ngày Tết được về nhà để đoàn viên nên không ít anh anh em cũng cảm thấy tủi thân”, anh Hải nghẹn ngào.

Kìm nén cảm xúc, ông Hải nói thêm: “Cũng may, chị em ở quê nhà ai cũng thấu hiểu nỗi cực nhọc của những người đàn ông nơi công trường. Hầu hết, khi lấy chồng làm giao thông đã xác định không năm nay thì năm khác phải xa chồng. Những người vợ chắc chắn sẽ buồn. Trẻ con cũng thế, mong bố lắm, nên giao thừa cứ bật điện thoại gọi video đón giao thừa với bố. Nói thật, mình thì không muốn khóc đâu, nhưng tại thấy vợ con khóc nên thành ra cũng thấy sụt sùi theo”.

Đảm nhiệm vai trò Chỉ huy trưởng của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tại gói thầu XL02, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Thiếu tá Nguyễn Văn Tài cho biết, năm nay, đơn vị tổ chức anh em làm xuyên Tết. Đơn vị cũng sẽ tổ chức hoạt động ngày Tết trên công trường cho anh em công nhân như: Nấu bánh chưng, thăm hỏi các gia đình chính sách tại khu vực nơi đóng quân, tặng quà cho các anh em có hoàn cảnh khó khăn…

“Trong 29 năm công tác, tôi có 13 năm ăn Tết xa gia đình. Nói thật, tôi phải cảm ơn người vợ ở quê nhà rất nhiều khi đảm đương mọi công việc trong gia đình. Tuy vậy, anh em chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào về những người vợ đã âm thầm hy sinh, là hậu phương vững chắc để các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành giao thông vững tâm nơi công trường”, ông Tài nói.

Tự hào của “phu đường” trên cao tốc Bắc-Nam

Hồi tưởng về những lần đón Tết trên công trường, ông Tài nhớ lại, cách đây hơn chục năm tại một công trình giao thông trên nước bạn Campuchia, đêm giao thừa điện thắp sáng không có, đơn vị phải dùng máy phát điện. “Xúc động nhất là lúc chia tay một số đồng đội được về quê.

Người về thì vừa đi vừa ngoái lại nhìn, lưu luyến chào đồng đội ở lại. Anh em tiễn thì đứng dõi theo, giây phút ấy tất cả đều dưng dưng nước mắt. Bản thân mình là người chỉ huy, những cảnh này mình cũng quen rồi, phải khích lệ anh em, nhưng nói thật trong thâm tâm cũng xúc động dạt dào”, ông Tài tâm sự.

Những ngày này, không khí thi công trên công trường cao tốc Mai Sơn - QL45 đang rất sôi động, các nhà thầu đang chuẩn bị phương án để thi công xuyên Tết. Tâm sự với phóng viên, ông Trần Văn Quang, cán bộ phụ trách công trình của nhà thầu Vinaconex tại gói thầu XL14, cao tốc Mai Sơn - QL45 chia sẻ, những năm còn đi học xa nhà, dù chưa đến rằm tháng Chạp, nhưng tâm lý chỉ mong về nghỉ Tết thật sớm. Giờ phải đi xa nhà mới thấy thấm thía được ý nghĩa và niềm hạnh phúc của Tết đoàn viên.

“Ngày ra trường, bước chân vào các công trình giao thông, lần đầu đón Tết trên công trường vừa thấy hào hứng, lạ lẫm, rồi sau thì cảm thấy buồn vì thiếu thốn sự đầm ấm của tình cảm gia đình. Ở công trường, anh em tất bật với công việc nên phần nào cũng quên bớt đi nỗi niềm xa nhà ngày Tết”, ông Quang kể.

“Có đông anh em ở lại công trường nên cũng xôm, vui hơn. Nhưng, ở thời khắc giao thừa, điện thoại từ gia đình gọi đến, người đang vui bỗng nghẹn ngào, rơm rớm nước mắt, người thì thẫn thờ ra một góc khuất để nghe điện thoại vì muốn giấu đi đôi mắt hoen đỏ”, ông Quang tâm sự.

“Tôi may mắn và vinh dự khi đã được làm việc tại 4 dự án giao thông trọng điểm. Người làm giao thông thì việc làm ngày, làm đêm, làm xuyên các dịp nghỉ lễ, tết chắc chắn phải trải qua nhiều. Cao tốc Mai Sơn - QL45 là công trình quan trọng quốc gia, mình được cống hiến tại đây là một niềm vinh dự, tự hào nên chắc chắn phải tận tâm, tận lực xây dựng con đường cao tốc để sau này kết nối thêm nhiều niềm vui của nhân dân”, ông Quang chia sẻ thêm.

Tại dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, ông Trần Nguyên Đán, Tư vấn giám sát trưởng gói thầu XL01 cho biết, những năm đầu mới vào nghề, cứ gần Tết, người thân trong gia đình rồi bạn bè lại hỏi: “Chưa về Tết cơ à”, lúc đi lại nhận được lời trách: “Sao đi sớm thế?”. Sau dần dà mọi người cũng hiểu và thông cảm với đặc thù của ngành nghề giao thông.

Trong hơn 20 năm gắn bó với nghề xây dựng công trình giao thông, trải qua hàng chục công trình, đón không biết bao nhiêu cái Tết trên công trường, ông Đán chia sẻ: Tết ở trên công trường năm nào cũng vậy, anh em đều sắm sửa từ sớm, không cành đào thì cây quất để ở văn phòng, gói bánh, gói kẹo, vài cái bánh chưng được gửi từ quê nhà và cũng có chai rượu vang đặt ở nơi làm việc để tiếp khách, để mọi người có cảm giác như ở nhà cho đỡ tủi thân.

“Tính chất nghề nghiệp khiến anh em quen với cảnh về nhà trong chốc lát hoặc ăn Tết xa nhà, rồi tự động viên bản thân mình rằng, còn nhiều nghề khác trong xã hội, nhiều người còn vất vả hơn, còn phải thường trực nơi đầu sóng, ngọn gió, có người bao năm không được về bên gia đình ăn Tết, mình còn có năm nọ, năm kia, đêm giao thừa vẫn còn có lúc ở bên gia đình, thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên…”, ông Đán bày tỏ.

Theo ông Hoàng Đình Luân, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL03 của dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn, cầu Yên Mỹ có 24 trụ, 2 mố và 25 nhịp Super T (mỗi nhịp dài 40m). Do địa hình phức tạp, không có đường thuận tiện để thi công và chỉ thi công được từ một đầu cầu, nhà thầu Vinaconex đã thực hiện phương án thi công ngay trên mặt hồ bằng các hệ phao nổi từ khâu khoan cọc, đổ bê tông dầm, đổ bê tông mố….

“Đến thời điểm hiện tại, nhà thầu Vinaconex đã chia làm 5 mũi thi công, làm việc liên tục 3 ca 4 kíp, sản lượng thi công cầu đạt 112 tỷ đồng/242 tỷ đồng, bằng 46% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành cầu Yên Mỹ vào tháng 6/2023,” ông Luân cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Quốc lộ 45 cho biết: “Ngoài việc tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc, Ban cũng chỉ đạo đơn vị tư vấn, nhà thầu lập tiến độ tống thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, kiểm soát chặt chẽ chất lượng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng…,” ông Quỳnh nhấn mạnh./.