Tạo lập môi trường giao thông an toàn, thân thiện

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phát động, tối 15/11 Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Người bạn đường” và lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2020 tại Việt Nam.

Trong chương trình “Người bạn đường”, câu chuyện của các khách mời cho thấy “bức tranh” giao thông năm 2020 với nhiều nét tươi sáng hơn. Với những quy định xử phạt nghiêm khắc, đặc biệt là Nghị định số 100/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông, người dân đã sử dụng rượu, bia với tinh thần trách nhiệm hơn, đã có ít hơn những câu chuyện buồn do tai nạn giao thông.

Tại lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ, trong những năm qua tại Việt Nam, TNGT đã luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có trên 7.500 người bị TNGT cướp đi mạng sống cùng với gần 15.000 người bị thương tật suốt đời.

IMG_8023a
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kêu gọi tạo lập môi trường giao thông an toàn, thân thiện. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được; phía sau những cái chết ấy là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương với hàng chục ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ, hàng ngàn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời. Hình ảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức giấc, nghẹn khóc giữa đêm khuya gọi mẹ, tìm cha mà không thấy, “lá xanh rụng trước lá vàng”, đang bóp nghẹt con tim của mỗi chúng ta. Nỗi đau này là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về sự trân quý cuộc sống mà không gì sánh được.

Bên cạnh đó, TNGT không chỉ gây tổn thất rất lớn cho cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, tạo gánh nặng cho xã hội và gây tổn thương cho hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện. “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là việc để xảy ra TNGT có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Để tiếp tục kéo giảm TNGT, để mọi người không còn lo sợ mỗi sớm mai lên đường đi làm, đi học; để mọi nhà đều được hưởng giây phút sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về, Phó Thủ tướng Thường trực kêu gọi các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT, cùng tự giác thực hiện: Đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông…

“Chúng ta hãy cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông, văn hóa giao thông an toàn và thân thiện. Đồng thời, mỗi người cùng chia sẻ, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân tai nạn giao thông và gia đình của họ”, Phó Thủ tướng Thường trực kêu gọi.

Cũng tại buổi lễ, bác sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong năm 2018, 2019, số ca TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện vào lên đến 17.000 ca/năm. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2020, con số này chỉ còn 12.000 ca, giảm khoảng 10% so với trước.

Theo anh Hồ Ê Nốt, Trưởng thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, trước đây, anh là người không thể sống thiếu rượu, nhưng nay, sau hai lần bị TNGT, gãy chân, nhận thức được tác hại của rượu, anh đã bỏ được loại chất kích thích này. Không những thế, anh còn vận động được người dân trong thôn bỏ “lệ làng” uống rượu, bia, hút thuốc lá trong những dịp ma chay, cưới hỏi, hay các ngày lễ theo phong tục tập quán...

Chia sẻ về kinh nghiệm bảo đảm ATGT của Nhật Bản, ông Ueda Hiroyuki, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết có ba yếu quan trọng, đó là cải thiện hạ tầng giao thông, đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông và lắp đặt các thiết bị bảo đảm ATGT thông trên phương tiện.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng tốt hơn, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao. Nghị định 100 ra đời đã góp phần kéo giảm TNGT sâu nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều đáng mừng là giờ đây, nhiều người sau khi uống rượu, bia đã chủ động không lái xe mà đi phương tiện công cộng.

Hồng Ninh (T/H)