Sửa luật chống mua bán bộ phận cơ thể người

Đặng Thu Hằng
Ở Việt Nam có hàng chục ngàn người cần ghép thận, ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác nhưng nguồn tạng hiến còn quá ít, đặc biệt là tạng hiến từ người chết não

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 24 trung tâm ghép tạng. Từ năm 1992 đến nay, nước ta thực hiện gần 7.300 ca ghép mô, tạng với 8 loại bộ phận cơ thể. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột... Đến thời điểm này, cả nước có hơn 63.500 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não.

GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn. Ước tính có hàng chục ngàn người cần ghép thận, ghép tạng; hàng ngàn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm chủ yếu, với hơn 90% tổng số ca ghép tạng.

Bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã phát sinh các hành vi mua, bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Do đó, Bộ Y tế cho rằng phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong thời gian tới.

Đề xuất các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn mua, bán bộ phận cơ thể người, ông Thuấn cho biết Bộ Y tế đang hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi), trình Quốc hội trong thời gian tới. "Về phòng chống mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, vấn đề đặt ra là bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần thiết bổ sung hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến, ghép không cùng huyết thống không?" - ông Thuấn nói.

Tại hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết đã phát hiện các tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Đối tượng môi giới thường tìm đến các khoa nội trú lấy thông tin bệnh nhân, làm quen tiếp cận, môi giới và lập thành đường dây mua, bán bộ phận cơ thể người. Bên môi giới mua bán bộ phận cơ thể người lên mạng lập các nhóm ghép tạng, nhóm nhu cầu ghép thận... để trao đổi thông tin. Qua trinh sát, công an phát hiện có hàng trăm, thậm chí cả ngàn người trong các hội nhóm như trên. Khi tiếp cận được người có nhu cầu ghép thận, đối tượng sẽ trao đổi riêng về mua, bán.

"Những người bán thận chấp nhận bán để được một số tiền, trong khi lợi nhuận chủ yếu thuộc về các đối tượng môi giới. Trước đây, số tiền mua, bán khoảng 150 triệu đồng/ca ghép thận, nay lên 200 - 300 triệu đồng/ca, thậm chí 500 - 700 triệu đồng/ca. Có trường hợp, các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/thận nhưng người bán chỉ nhận 200 - 250 triệu đồng/thận. Đáng nói là người bán thận phần lớn có nhu cầu che giấu sự việc nên đối tượng dụ dỗ bán thận khó bị phát hiện" - thượng tá Đinh Văn Trình thông tin.

Sửa luật chống mua bán bộ phận cơ thể người - Ảnh 1.

Ghép tạng ở Việt Nam có chi phí thấp hơn nhiều lần so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong ảnh: Một ca ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: KHÁNH ANH

Chi phí ghép tạng rẻ

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhấn mạnh việc ghép tạng mang ý nghĩa nhân văn cao cả nhưng do khan hiếm nguồn tạng khiến nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian chờ ghép.

"Mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức có hơn 1.000 người chết não do bệnh lý và tai nạn giao thông nhưng hơn 10 năm qua chỉ có vài chục người hiến mô, tạng. Những người làm bác sĩ như tôi vô cùng biết ơn và trân trọng những người đã hiến tạng cho y học vì họ đã cho chúng tôi cơ hội để cứu người khác. Nếu được sự ủng hộ của toàn xã hội sẽ có thêm rất nhiều bệnh nhân được bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình nhờ ghép mô tạng" - PGS Quyết nói.

Hiện trình độ ghép tạng của Việt Nam tương đương với thế giới trong khi chi phí cho một ca ghép tạng trong nước chỉ bằng 30%-40% so với nhiều nước phát triển và trong khu vực. Với bệnh nhân suy thận, chi phí điều trị cho việc chạy thận sẽ cao hơn 1,5 - 2 lần chi phí ghép thận.

Theo Người Lao Động