Sơn La: Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hàng trăm nghìn hộ dân thoát nghèo

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo anh sinh xã hội của tỉnh Sơn La.
vna-potal-tin-dung-chinh-sach-gop-phan-dam-bao-anh-sinh-xa-hoi-cua-tinh-son-la-62553681-1659948551.jpg
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La tham quan mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông ông Lèo Văn Binh ở tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân – Tận tâm phục vụ”, trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phủ sóng đến 100% các bản, tiểu khu, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo.

Nhiều hộ gia đình cũng mạnh dạn vay vốn, dám nghĩ, dám làm, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cây giống, con giống chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Qua đó, đảm bảo cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.

Gia đình ông Lèo Văn Binh là một trong các hộ nghèo nhiều năm của tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, hàng năm thu nhập chính của gia đình ông chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn.

Năm 2015, sau khi được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La cùng chính quyền tiểu khu Hua Ít đến tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục vay vốn, ông Binh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua thêm đất sản xuất, chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện đất đồi, nắng nóng tại địa phương.

Năm 2018, ông Binh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm cây giống, con giống về phát triển kinh tế. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng đức tính cần cù, chịu khó, miệt mài trong lao động, sản xuất khiến những nương ngô, nương sắn của gia đình ông trước đây đã chuyển thành mô hình kinh tế tổng hợp rộng hơn 1ha, với 100 gốc nhãn ghép, 150 cây bưởi da xanh, xoài Đài Loan (Trung Quốc), mít Thái và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Lèo Văn Binh phấn khởi cho hay, gia đình ông vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai mua trâu, bò, gà, mua đất để trồng cây ăn quả. Giờ đây, gia đình ông Binh đã có vườn cây ăn quả cho thu nhập cao, ổn định, trâu bò phát triển, các loại quả đến vụ thu hoạch thì được thương lái đến tận nương, vườn thu mua.

Niên vụ vừa qua, mặc dù vườn cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên nhưng sau khi trừ chi phí cũng thu lãi trên 100 triệu đồng. Những năm tiếp theo, nếu thời tiết thuận lợi, các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng sẽ cao hơn, giá thành sản phẩm ổn định như năm nay sẽ cho thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Riêng gần 10 con trâu, bò nuôi sinh sản và hàng trăm con gà thả vườn cũng mang lại thu nhập cho gia đình ông Binh từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Tại huyện Mộc Châu, triển khai thực hiện chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 (triển khai trong 2 năm 2022-2023), đến hết tháng 7/2022, NHCSXH huyện Mộc Châu đã giải ngân được gần 12 tỷ đồng/13 tỷ đồng được phân bổ cho 213 hộ, đạt 88,58% kế hoạch.

Song hành với NHCSXH, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác vốn vay (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến bính, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) cũng phát huy tốt vai trò của mình hỗ trợ, hướng dẫn hội viên vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, doanh số cho vay qua NHCSXH tỉnh đạt hơn 1.459 tỷ đồng; doanh số thu nợ là hơn 1.178 tỷ đồng. Điều đáng mừng là phần lớn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, các thành viên đều chấp hành tốt việc trả lãi, trả nợ đến hạn và tiền tiết kiệm theo quy định.

Trên tiền đề 20 năm triển khai thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội tại các vùng, các huyện, các thôn, bản; đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, nhất là các chương trình tín dụng chính sách xã hội mới, những chương trình theo chỉ định của Chính phủ, tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn để bà con tiếp tục sử dụng vốn cũng như là kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề bất cập có thể xảy ra. Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mai Phương