Phúc thẩm vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Viện Kiểm sát đề nghị tuyên y án sơ thẩm

Đặng Thu Hằng
Viện Kiểm sát cho rằng tại phiên phúc thẩm, các bị cáo ở Tịnh thất Bồng Lai kêu oan nhưng không đưa ra được bằng chứng mới để kháng cáo mà chỉ xoay quanh những nội dung đã làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm, nên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm.

Cuối giờ chiều 2/11, sau khi kết thúc phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc (nơi từng tự xưng là "tịnh thất Bồng Lai" hay "thiền am bên bờ vũ trụ" tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An).

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên y án sơ thẩm là xử phạt Lê Tùng Vân (90 tuổi) 5 năm tù; Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) 3 năm 6 tháng tù và Cao Thị Cúc (62 tuổi) 3 năm tù.

hoan-nguyen-16673821988791176987221-1667415494.jpeg
 

Sau đó, các bị cáo đều kháng cáo, yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên vô tội. Các bị cáo đều khẳng định không mạo danh Đức Phật, không xúc phạm người khác.

Qua phiên phúc thẩm và từ lời khai của các bị cáo, Viện Kiểm sát xét thấy, các bị cáo có hành vi sử dụng các phương tiện điện tử để đăng tải lên mạng xã hội 5 video clip sai sự thật nhằm xúc phạm Phật giáo, Công an huyện Đức Hoà, Thượng toạ Thích Nhật Từ.

Viện Kiểm sát xác nhận những video clip do nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai thực hiện, đăng tải. Những video clip trên không bị cắt ghép, chỉnh sửa. Các bị cáo đều đã thừa nhận trong lời khai tại hồ sơ vụ án.

Trước đó, trong phần xét hỏi diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ, đại diện viện kiểm sát chỉ hỏi để khẳng định lại các nội dung trong đơn kháng cáo và hỏi các bị cáo có đưa ra thêm bằng chứng, tình tiết mới để chứng minh việc kháng cáo hay không. Các bị cáo đều nói không có bằng chứng mới.

Trong khi đó, các luật sư tập trung hỏi các bị hại, giám định viên, điều tra viên về các nội dung liên quan đến vụ án và đa số câu trả lời của những người được hỏi đều là nội dung bản án đã nêu rõ nên không trả lời thêm, hoặc câu hỏi của các luật sư đã được đưa ra phân tích kỹ trong phiên sơ thẩm nên không trả lời lại.

Tương tự, khi các luật sư bảo vệ bị hại xét hỏi các bị cáo thì các bị cáo đều từ chối trả lời và cho rằng các nội dung cần trả lời đều đã ghi trong các đơn kháng cáo.

Bốn bị cáo tự bào chữa hơn 2 giờ đồng hồ, mỗi bị cáo khi tranh luận đều bị chủ tọa nhắc nhở nhiều lần do lời bào chữa lan man ra khỏi nội dung vụ án, lặp lại cùng một vấn đề nhiều lần…

mo-lai-phien-toa-phuc-tham-vu-an-xay-ra-tai-tinh-that-bong-lai-ong-le-tung-van-vang-mat-hinh-02-8099-1667415877.jpeg
Đại diện VKSND nêu ý kiến tại phiên tòa.

Các luật sư bào chữa cũng chủ yếu lặp lại nhiều nội dung đã bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm, như cho rằng việc đề nghị triệu tập những người liên quan là cần thiết để bào chữa nhưng không được chấp thuận là không bảo đảm theo các điều luật đã được quy định, luật sư bị cản trở hành nghề dẫn đến việc tiếp xúc với các thân chủ chậm, có xung đột trong tư cách tham gia án của điều tra viên, Giáo hội Phật Giáo không phải là bị hại vì các bị cáo tu tại gia theo quyền công dân không theo Hiến chương của Phật Giáo nên không có chuyện mạo xưng và xúc phạm…

Nêu quan điểm về vụ án, đại diện viện kiểm sát cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ và thực tế diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, xét thấy các bị cáo kêu oan nhưng không đưa ra được tình tiết mới, mà chỉ xoay quanh những nội dung đã làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm, do đó cần thiết giữ nguyên y án sơ thẩm để đảm bảo tính răn đe.

Đến 20h30, trong khi phần tranh luận đang diễn ra, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hoãn phiên tòa và sẽ tiếp tục phần tranh luận vào lúc 8h ngày mai 3/11.

T.H.