Phú Yên cơ bản xác thực dữ liệu BHXH với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nguyễn Thị Hương
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tại địa phương, BHXH tỉnh Phú Yên chủ động đã triển khai các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

khamchuabenhphuyen310523-1700134491.pngKhám chữa bệnh sử dụng app VSSID.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh đăng ký mô hình điểm cấp tỉnh về khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử và ứng dụng VNEID thay thế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) bằng giấy; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cập nhật bổ sung số Định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong cơ sở dữ liệu do BHXH tỉnh quản lý.

Tính đến ngày 16/5, toàn tỉnh đã xác thực 732.083 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 92.73% trên tổng số người tham gia. Toàn tỉnh hiện có 119 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, đạt tỷ lệ 100% với 154.291 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng bằng CCCD thành công đạt tỷ lệ 87,09%. Qua đó góp phần chuẩn hóa dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, cải cách, liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) và cắt giảm giấy tờ cho công dân.

Hiện nay, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đang thực hiện liên thông phần mềm với Bộ Tư pháp. Cán bộ tư pháp xã, phường cập nhật phát sinh đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi và chuyển dữ liệu qua Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã thực hiện in và trả thẻ BHYT trẻ em cho UBND xã, phường, thị trấn trong thời hạn 5 ngày làm việc. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện in và cấp 87.561 thẻ BHYT trẻ em, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em theo quy định. Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đang chờ triển khai diện rộng về liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đồng thời, đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí theo Đề án 06 của Chính phủ.

Tính đến ngày 15/5/2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp Sở Y tế, các cơ sở KCB hỗ trợ liên thông dữ liệu, Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã tiếp nhận đề nghị và phê duyệt gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe của 11 cơ sở KCB với 12.168 dữ liệu giấy khám sức khỏe hợp lệ, tiếp nhận 30 dữ liệu giấy báo tử và 541 giấy chứng sinh hợp lệ.

Kết quả trên bước đầu cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Bảo hiểm xã hội tỉnh trong quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần cùng các ban, ngành tại địa phương hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giao năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cũng tăng cường khuyến khích và giao chỉ tiêu vận động người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ, thay thế cho hình thức chi trả tiền mặt.

chitraquataikhoanphuyen010623-1700134527.pngNgười dân kiểm tra nhận các chế độ BHXH qua tài khoản ngân hàng.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc bình quân đạt tỷ lệ 66,7%. Đối với việc chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội một lần, tỷ lệ giao bình quân đạt 87,44% và chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp đạt tỷ lệ 99% trên toàn tỉnh.

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra, BHXH tỉnh yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các địa phương kịp thời báo cáo, tham mưu với UBND huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về mục tiêu của Quyết định số 149/QĐ-TTg, Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Chính phủ và Công văn số 4574/UBND-KGVX của UBND tỉnh.

Các đơn vị xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu được Bảo hiểm xã hội tỉnh giao. Các đơn vị cần phối hợp với cơ quan bưu điện, ngân hàng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với ngân hàng, cơ quan bưu điện và kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực phối hợp với Bưu điện, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng tiếp cận điểm chi trả vận động, khai thác người hưởng mở tài khoản cá nhân và phát hành thẻ ATM ngay tại điểm chi trả; tổng hợp, đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trong thực hiện vận động, phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

PV