Phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiều ngày 18/7, tại Nhà khách Chính phủ số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, bốn cơ quan của Chính phủ gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
kyket-1658156691.jpg
Bốn Bộ ký phối hợp trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Tổ chức quốc tế…

Những năm gần đây, tình hình nạn nhân bị mua bán ngày càng có xu hướng tăng trên toàn cầu. Nạn nhân là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa; phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.

Tội phạm mua, bán người thường hoạt động dưới băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.

Tội phạm mua, bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia. Đây cũng là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua, bán người, nhưng chủ yếu là tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã, đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua, bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua, bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch….

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua, bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua, bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thời gian qua, thực hiện chương trình phòng, chống mua, bán người, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước đã kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm nạn nhân bị mua, bán. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, một số cơ sở, địa chỉ đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân. Đó là Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang, Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển… Các mô hình đã và đang triển khai rất hiệu quả.

Tuy vậy, công tác phòng, chống buôn bán người rất phức tạp, cần sự phối hợp giữa các bên. Vì vậy, bốn bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cùng ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế này.

Đồng thời, các bộ và các địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30-7”; phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả...

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán có hiệu lực từ ngày 18/7. Quy chế gồm 3 chương và 15 điều, quy định nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Theo quy chế, các bên sẽ cùng tổ chức các đoàn liên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bốn bộ sẽ cùng nhau xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Quy chế quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành trong việc tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân; kiểm tra, thực hiện các biện pháp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ; thống kê, báo cáo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân…

Phương Linh