Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Giảm nghèo phải đa chiều, bao trùm, bền vững

Nguyễn Diệp Linh
Chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, giảm nghèo phải hướng tới ổn định và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Quốc hội.

Triển khai chậm nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra?

Chiều 31.3, Đoàn giám sát của Quốc hội "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030" đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là Chương trình hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật nhanh nhất, đầy đủ nhất”.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn chậm do nguyên nhân khách quan là chịu tác động của đại dịch Covid – 19. Năm 2022, Chương trình mới bắt đầu thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều quy định (trước đó, năm 2021, Chương trình vẫn thực hiện giảm nghèo tiếp cận đa chiều). Kết quả thực hiện các dự án thành phần của Chương trình trong năm 2022 cho thấy: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 21,02%, giảm 4,89% (năm 2021 là 25,91%), đạt mục tiêu theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ – TTG ngày 18.1.2022 của Thủ tướng; tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62%, giảm 6,35%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững -0

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Tuy nhiên, một mâu thuẫn đặt ra là, dù Bộ LĐTBXH thừa nhận triển khai Chương trình chậm, nhưng các dự án thành phần của Chương trình vẫn đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội đặt câu hỏi: phải chăng giảm nghèo trong 2 năm qua, không chỉ nhờ tác động của Chương trình mà còn nhờ kết quả phát triển kinh tế - xã hội? Nếu vậy, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn hơn năm 2022 thì chỉ số giảm nghèo sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, có nhận định, giảm nghèo có biểu hiện không ổn định, thiếu bền vững, người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo. Những nhận định này đã được Bộ LĐTBXH xem xét kỹ lưỡng chưa?

Đáng lưu ý, định mức, đánh giá tiêu chuẩn nghèo đã thực sự phù hợp hay chưa khi mỗi năm sự phát triển kinh tế - xã hội lại khác nhau, tăng trưởng GDP cũng khác nhau? Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các chỉ số, tiêu chí về giảm nghèo sẽ còn "biến thiên", do đó, phải làm sao để Bộ LĐTBXH đưa ra thước đo chuẩn nghèo sát với thực tiễn nhất.

Lo ngại về hiệu quả đầu tư

Dẫn lại nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã được ban hành đầy đủ, không có vướng mắc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thanh Mai cũng chỉ rõ, ngay tại Công điện số 71/CĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, theo phản ánh của UBND các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa thì Bộ LĐTBXH chưa có hướng dẫn về thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành nghề kinh tế chủ lực trên địa bàn.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững -0

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry chỉ rõ, theo Nghị định 27/2022/NĐ – CP ngày 19.4.2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ LĐTBXH còn nợ 3 văn bản. Đáng lưu ý, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, đơn cử, các Chương trình mục tiêu quốc gia đều mong muốn tập trung cho phát triển vùng lõi, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng ngay trong Báo cáo của Bộ LĐTBXH, đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hiện không có cơ sở để đào tạo nghề. Tại sao vùng đang hướng tới để đầu tư lại không có cơ sở để đào tạo nghề?

Mặt khác, qua khảo sát thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc ghi nhận có hơn 1.000 công trình trong Chương trình giảm nghèo được thực hiện, nhưng rất nhỏ lẻ, vậy hiệu quả của các công trình này trong thời gian tới như thế nào, có tác động tích cực đến giảm nghèo hay không? Với nguồn vốn ít ỏi, phân bổ chậm, nhưng lại đầu tư rất phân tán, bà Trần Thị Hoa Ry không khỏi lo lắng về hiệu quả đầu tư của Chương trình này.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững -0

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Giải trình về các vấn đề được Đoàn giám sát đặt ra, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh thừa nhận, do bối cảnh Covid – 19 nên chuẩn nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục được áp dụng cho năm 2021; chuẩn nghèo mới được áp dụng từ năm 2022, kéo theo tỷ lệ nghèo cao lên. Tuy nhiên, năm 2022 có nhiều yếu tố như kinh tế - xã hội phát triển tốt, địa phương quan tâm thúc đẩy giảm nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1,17%, đạt khung chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho rằng, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững chưa thực hiện được thì giảm nghèo chưa bền vững, nhất là trong phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp. Dự báo năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội có khó khăn, nhưng Bộ LĐTBXH sẽ nắm chắc tình hình, đôn đốc và giao cho đơn vị, địa phương có tỷ lệ huyện nghèo cao phải làm tốt hơn công tác giảm nghèo.

Đối với chuẩn nghèo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đúng là chuẩn nghèo căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và nhiều yếu tố khác. Ví dụ thu nhập tăng lên thì số lượng người nghèo cũng cao lên, chính sách hỗ trợ người nghèo cũng phải tăng lên. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, dần dần đưa mức chuẩn nghèo cho phù hợp nhất với thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Do đó, phải làm sao xóa đói, giảm nghèo cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và bao trùm các khía cạnh của đời sống. Hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa động lực quyết định sự phát triển, được lồng ghép liên ngành, nhưng với những hạn chế mà Đoàn giám sát chỉ ra, Chương trình vẫn đạt và vượt mục tiêu như Báo cáo của Bộ LĐTBXH thì phải đánh giá kỹ, làm nổi bật những tác động thực sự và sự cần thiết của Chương trình; có sự tác động của tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chương trình, dự án khác hay không. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị, Bộ LĐTBXH cần sớm giải quyết 27/339 vấn đề đã được chỉ ra tại Công điện 71/CĐ – TTg, sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn có liên quan đến các vấn đề này.

Anh Thảo