Nông sản Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu nếu không tạo sự khác biệt

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển cho nông sản Việt do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức ngày 5/6, nhiều diễn giả nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm nông sản xuất khẩu.
14-4919-1528169586_600x0

Bắt đầu Diễn đàn kinh tế Việt Nam (ViEF) là diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp được khai mạc vào sáng ngày 5/6 với chủ đề Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt.

Mở rộng thị trường cho nông sản Việt

Các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng thảo luận tìm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản, phân loại và xác định thị trường ưu tiên, liên kết chuỗi giá trị để chinh phục thị trường.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: “Bốn tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD... Thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra, trong ngành nông nghiệp, nếu chúng ta chỉ sản xuất sản phẩm chất lượng nhưng khâu chế biến yếu thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước.

4-8773-1528164912_600x0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Vnexpress.net).

Nhiều điểm yếu khác cũng được Bộ trưởng chỉ ra như tính liên kết sản phẩm của các làng xã và địa phương; xử lý nguồn gốc đất...

Phần phát biểu của doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thục - một "thương lái' bán vải đã gây ấn tượng sâu sắc cho Diễn đàn. Nữ doanh nhân cho rằng nông sản Việt luôn tự coi mình là cô gái đẹp, thụ động, không biết ra chợ bán hàng mà chỉ ngồi nhà chờ các thương lái đến hỏi mua.

Lời ví von này cũng đã gần như bao quát toàn bộ vấn đề của thị trường nông sản Việt Nam.

“Để giải quyết những bất cập trên, Việt Nam cần phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để mở rộng thêm thị trường, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại.

Nhưng trong quá trình này sẽ có rất nhiều thách thức cho nông sản Việt Nam.

Đơn cử, theo lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua.

Bên cạnh đó trong quá trình hội nhập, thị trường nội địa cũng phải mở ra cho các nước tiến vào, do đó đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải vượt lên.

Tiếp cận ở góc độ làm sao để tăng giá trị cho sản phẩm, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cho rằng, tuy hàng nông sản Việt Nam được khách hàng hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu là xuất thô và không có thương hiệu thương mại. “Nếu không tạo ra sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Chúng ta cần tập trung nhân lực để phát triển giá trị cho sản phẩm và đầu tư một cách bền vững hơn", vị này khuyến nghị.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Các diễn giả đưa ra mô hình truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi giá trị nông sản, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trong và ngoài nước. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Internet vạn vật, Big Data cũng được đề cập với vai trò giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Đề cập về yêu cầu truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin nông sản, ông Srikanth Mangalam, chuyên gia từ IFC thuộc World Bank cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ Blockchain vì điều này sẽ giúp đảm bảo tăng cường truy xuất nguồn gốc xuất xứ... đồng thời người nông dân có thể sử dụng để tăng uy tín với ngân hàng, có thể vay được vốn nhiều hơn để đầu tư cho sản xuất.

9-7994-1528167547_600x0 (1)
Diễn đàn thu hút nhiều chính khách, diễn giả, chuyên gia hàng đầu về kinh tế, nông nghiệp. (Ảnh: Vnexpress.net).

Cùng bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Công ty VietTrace Verified cho rằng, công nghệ Blockchain được coi như một phương thức có thể được dùng trong các mô hình nông nghiệp và mang lại tính ứng dụng khá cao. Nhưng hiện nay, tính ứng dụng của công nghệ Blockchain vào sản xuất nông nghiệp hầu như là mô hình Demo chứ chưa có mô hình thực tế cụ thể áp dụng rộng rãi.

Do đó, một mong muốn đặt ra là cần có một mô hình công nghệ thật tốt để liên kết với nông dân và áp dụng tính thực tiễn của nó vào sản xuất một cách hiệu quả nhất có thể…

Ông Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này cũng cần cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác.

“Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm triển khai kế hoạch liên quan và đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Chiến khẳng định.

Các giải pháp, đề xuất tại diễn đàn lần này sẽ được tổng hợp báo cáo, đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018 tới.

Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" là sự kiện mở màn chuỗi diễn đàn chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF).

Kéo dài trong 4 giờ, diễn đàn hôm nay được kỳ vọng sẽ là nơi đưa ra lời giải cho nhiều bài toán trong lĩnh vực nông nghiệp, từ phát triển ra những thị trường nào, bán sản phẩm gì và ứng dụng công nghệ cao như thế nào. Ngoài ra, diễn đàn cũng là nơi các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra những câu chuyện truyền cảm hứng về nhiều mô hình đã thành công tại Việt Nam và trên thế giới.

Chi Chi