Những thay đổi về công tác chấm thi THPT Quốc gia

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Bộ GD&ĐT mới công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 31/3, với những thay đổi quan trọng tập trung nhiều vào khâu coi và chấm thi THPT Quốc gia.

Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến sửa quy chế thi THPT Quốc gia, giao vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH thay vì các sở GD&ĐT như quy chế hiện hành.

Một trong những điều chỉnh của dự thảo quy chế thi là thí sinh (TS) tự do, TS giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD&ĐT quyết định.
nhung thay doi ve cong tac cham thi thpt quoc gia
Bộ GD&ĐT sẽ siết chặt khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh minh họa - Internet).
Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, theo dự thảo, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường ĐH, CĐ phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.
 
Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này. Có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
 
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này; có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.
 
Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở GD&ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ, phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.
 
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Trưởng ban điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.
 
Theo dự thảo, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của TS) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
 
Trong quá trình xử lý kỹ thuật, khi mở niêm phong CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ, phải có sự giám sát của công an và tổ giám sát, lập biên bản mở niêm phong rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
 
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, phải lưu các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ) vào 3 bộ CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản.
 
Bộ GD&ĐT mới công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 31/3.
 

Tình Thương