Nhận thức và kỹ năng về ứng phó khẩn cấp của người dân được nâng cao

Tạp Chí Nhân Đạo
Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của Hội CTĐ Việt Nam” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được triển khai tại 4 tỉnh là Bạc Liêu, Khánh Hòa, Hòa Bình và Quảng Trị với tổng kính phí hơn 15 tỷ đồng đã góp phần nâng cao năng lực của các cấp và giúp đỡ người dân ứng phó với thiên tai tốt hơn. 
Sau 26 tháng triển khai, số lượng tập huấn viên, hướng dẫn viên đang tăng lên để đáp ứng được nhu cầu cao về kỹ năng sơ cấp cứu. Trong đó, đã triển khai nâng cao năng lực cho đội ứng phó thảm họa Trung ương Hội CTĐ (NDRT) gồm 21 thành viên và 9 đội ứng phó thiên tai hỗn hợp các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Điện Biên, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị và Thanh Hóa về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu; Sử dụng phần mềm thu thập thông tin, lập bản đồ và cung cấp các trang bị cơ bản để ứng phó thiên tai khẩn cấp. 50 cán bộ CTĐ các tỉnh trọng điểm và Trung ương Hội được cấp chứng chỉ tập huấn viên sơ cấp cứu để tăng cường tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng và trên 50 hướng dẫn viên sơ cấp cứu khác. Trên 30 cán bộ CTĐ các tỉnh trọng điểm miền Trung và Mê Kông có năng lực về thực hiện, vận hành hệ thống nước sạch và vệ sinh trong tình huống khẩn cấp. 17 đội ứng phó thảm họa cấp xã tại 4 tỉnh Bạc Liêu, Hòa Bình, Khánh Hòa và Quảng Trị được thành lập, tập huấn và trang thiết bị cơ bản, đa số các đội đã tham gia ứng phó thiên tai trong năm 2020, phòng chống đại dịch COVID-19 năm 2020, 2021; Xây dựng mô hình xã chống chịu thiên tai, đạt tiêu chí của Chính phủ đề ra như diễn tập, nâng cao nhận thức. Thành lập 7 điểm sơ cấp cứu tại các xã dự án để cung cấp trợ giúp kịp thời cho người bị thương do tai nạn (như tai nạn giao thông, công việc…). Bên cạnh đó, 4 nhóm truyền thông tình huống khẩn cấp cấp tỉnh và 17 nhóm cấp xã được thiết lập và tập huấn ở các tỉnh hưởng lợi dự án, có kiến thức, kỹ năng cơ bản để truyền thông hiệu quả trong tình hình khẩn cấp và kết nối chặt chẽ với nhóm truyền thông Trung ương Hội. Các nhóm này đã tiến hành gần 700 cuộc truyền thông tại cộng đồng về phòng chống thiên tai, nước sạch, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh như đại dịch COVID-19. 

Hội nghị tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp của Hội CTĐ Việt Nam, giai đoạn 3”
Số lượng người hưởng lợi trực tiếp của dự án đạt 33.786 người (cao 2,78 lần so với số người hưởng lợi dự kiến là 12.150 người); Số người hưởng lợi gián tiếp đạt 40.160 người (cao 1.67 lần sao với số người hưởng lợi gián tiếp là 25.000 người). 
Cụ thể, từ tháng 10/2019 - 11/2021, tại Khánh Hoà, Dự án được triển khai tại 2 xã, phường Ninh Đông và Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa. Trong hai năm triển khai, dự án đã tổ chức 17 lớp tập huấn về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, hành động sớm ứng phó bão, sơ cấp cứu cho cán bộ, tình nguyện viên Hội CTĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã; 3 lớp tập huấn thực nghiệm hành động sớm với bão; 2 buổi diễn tập ứng phó khẩn cấp với bão và 1 buổi Hội thảo chuyên đề xây dựng, lựa chọn ngưỡng kích hoạt bão. Đồng thời, dự án tổ chức 96 buổi truyền thông phòng, chống thiên tai và dịch bệnh COVID-19 tại hộ gia đình và cộng đồng. Tổng số người hưởng lợi từ các hoạt động của dự án là 14.638 lượt người.

Ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội nghị
Tại Quảng Trị, Dự án triển khai thực hiện tại 2 xã: Vĩnh Tú và Vĩnh Lâm, duy trì một số hoạt động tại 3 xã Vĩnh Thái, Vĩnh Long và Trung Nam (các xã triển khai thực hiện dự án giai đoạn I và giai đoạn II từ năm 2015-2019). Tổng số lượt người hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động của dự án: 10.831 lượt người (4.295 nam, 6.536 nữ); số lượt người hưởng lợi gián tiếp từ các hoạt động của dự án: 25.000 người. 
Ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Trị khẳng định: Dự án đã đạt được mục tiêu cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong trận mưa lũ lịch sử năm 2020, lực lượng ứng phó thiên tai, thảm họa tại cộng đồng đã áp dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã được huấn luyện, hướng dẫn vào việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn... và khẳng định mô hình Đội Ứng phó thiên tai, thảm họa cấp cộng động phù hợp, phát huy hiệu quả khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. 
Sau gần 2 năm triển khai tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, dự án đã tổ chức 25 lớp tập huấn, trong đó có 8 lớp tập huấn sơ cấp cứu, 17 lớp tập huấn về lĩnh vực phòng ngừa thiên tai thảm họa: Tổ chức 5 cuộc diễn tập phòng chống thiên tai tại 5 xã với 690 người tham gia diễn tập phòng chống thiên tai; Tổ chức 243 cuộc truyền thông phòng ngừa và ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão như sạt lở đất, lũ lụt và các hiểm họa, tai nạn về đuối nước ở trẻ em, truyền thông về phòng ngừa và chủ động ứng phó với dịch bệnh cho 4.860 người dân, học sinh các trường thuộc dự án. 
Bà Đinh Thị Hương Dung, cán bộ dự án của tỉnh Hòa Bình cho hay: Các địa phương được thụ hưởng Dự án đều rất phấn khởi, hào hứng tham gia và tạo mọi điều kiện để Dự án triển khai có hiệu quả. Hội CTĐ tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh chính thức giao việc tập huấn ứng phó thiên tai theo phương pháp hành động ứng phó cộng đồng cho toàn bộ các xã trong tỉnh, bước đầu trong năm 2021 đã tập huấn được cho 6 xã, dự kiến 30 xã trong năm 2022 bên cạnh đó đã tổ chức 16 lớp nâng cao nâng cao năng lực phòng chống thiên tai chung.
Với kết quả đạt được, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt tài trợ Dự án Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội CTĐ Việt Nam giai đoạn 9/2021-8/2023 tại 4 tỉnh: Khánh Hoà, An Giang, Nghệ An và Sơn La Dự án tập trung các hoạt động nâng cao năng lực ứng phó thảm hoạ các cấp, ứng dụng phương pháp “tài trợ dựa vào dự báo” để tiến hành các hoạt động sớm trước khi thiên tai xảy ra nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với thiên tai tốt hơn và hạn chế thiệt hại lũ lụt do bão nhiệt đới gây ra; Xây dựng năng lực cho các tỉnh Hội dự án và trọng điểm thiên tai như các đội PDRT của An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp, Sơn La về phương pháp “tài trợ dựa vào dự báo”, tuyên truyền nhân rộng quy trình, kế hoạch hành động sớm, mua sắm hàng cứu trợ tốt hơn, nâng cao năng lực về sơ cấp cứu, truyền thông trong tình huống khẩn cấp và một số nội dung có liên quan khác tại 10 xã dự án. Với tổng kinh phí là hơn 18 tỷ đồng thời gian triển khai từ 01/9/2021 – 30/8/2023, số người người lợi là 34.862 người, trong đó có 9.862 người hưởng lợi trực tiếp và 25.000 người được hưởng lợi gián tiếp.
Hồng Loan