Nhà Chữ thập đỏ - ngôi nhà ước mơ của người nghèo

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ làm được từ 55 nhà trở lên. Trong những năm qua toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ làm được 395 nhà Chữ thập đỏ (làm mới 334 nhà, sửa 61 nhà), tổng trị giá 16,775 tỷ đồng.

Trong những hoạt động thực hiện phong trào thi đua và triển khai Cuộc vận động" Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang đã tích cực vận động các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân, các cán bộ, hội viên tham gia. 

Xác định mục tiêu cốt lõi của Cuộc vận động là trợ giúp đối tượng kịp thời, thiết thực, theo hướng phát triển bền vững với tinh thần" mọi người cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp thích hợp", tỉnh Hội chọn phương án xây nhà Chữ thập đỏ là 1 trong 5 mô hình công tác xã hội nhân đạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ VI với tên gọi Phong trào “làm nhà Chữ thập đỏ”. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm hỗ trợ làm được từ 55 nhà trở lên.

nha-chu-thap-do
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu trao nhà chữ thập đỏ cho cựu chiến binh ở Hà Giang

Trong những năm qua toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ làm được 395 nhà Chữ thập đỏ (làm mới 334 nhà, sửa 61 nhà), tổng trị giá 16,775 tỷ đồng. Mức vận động hỗ trợ tuy có khác nhau nhưng đều được các cấp Hội triển khai có hiệu quả, sự phối kết hợp của các tổ chức, sự đồng tình, hướng ứng của các hộ gia đình, địa phương nơi được hỗ trợ. Những ngôi nhà được trao tặng nó không chỉ đơn thuần là tài sản có giá trị, là chốn đi về, che nắng, che mưa của gia đình mà còn là nơi chứa đựng tình cảm của những người làm công tác nhân đạo, là sự sẻ chia của cộng đồng, của tình làng nghĩa xóm đối với những hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở.

Hội đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, phối hợp với lãnh đạo địa phương, chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ huyện khảo sát nhu cầu, bình xét hộ hưởng lợi, lập danh sách cụ thể. Tổ chức họp, thống nhất với nhân dân về cách thức triển khai làm nhà; thống nhất tiêu chí “cứng nền, bền mái, cứng tường”.. Tỉnh Hội đã chủ động báo cáo UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ thêm cho mỗi gia đình 10 triệu để thay thế tấm lợp mái nhà từ Fibro - ximăng thành mái tôn. Nâng mức hỗ trợ cho mỗi gia đình từ 50 triệu lên 60 triệu đồng. 

khanh-thanh-nha-1
Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng nhà CTĐ cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi ngôi nhà, mỗi công trình mọc lên là niềm vui, của những người làm công tác nhân đạo.. Đó cũng là niềm động viên để cán bộ Hội Chữ thập đỏ Hà Giang  quyết tâm triển khai thật tốt mô hìnhviệc xây dựng nhà Chữ thập đỏ và đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động này.

Từ những kết quả nêu trên, nhận thấy, để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào làm nhà CTĐ cần tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo của các Cấp ủy, Chính quyền các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Mà muốn vậy cán bộ Hội CTĐ các cấp phải chủ động trong việc tham mưu, làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương để tạo thành khối thống nhất, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hoạt động hướng về cộng đồng, về những khó khăn của người dân, của địa phương để cùng giải quyết.

Phải lấy đối tượng còn khó khăn là trung tâm, chú trọng khâu bình xét đối tượng hưởng lợi, khả năng tiếp nhận của đối tượng, địa phương để có biện pháp hỗ trợ giúp họ có thêm điều kiện để họ tự giúp mình, tự giải quyết vấn đề khó khăn, bức xúc của chính mình vươn lên, phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững; có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên để các công trình được triển khai thực hiện đúng tiến độ, các đối tượng được hưởng lợi thực sự là hộ gia đình, cá nhân đang gặp khó khăn, cần được giúp đỡ. Lựa chọn những địa phương làm tốt, những cách làm hay để phổ biến, nhân rộng trong toàn Hội. Lấy kết quả thực hiện các hoạt động này làm tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng hàng năm để ghi nhận, biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt. 

HH