Người Việt đang vay mượn để tiêu xài quá mức chi trả

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Người Việt đang quá lạc quan vào thu nhập trong tương lai nên họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu hiện tại.

Báo cáo phân tích của VDSC đưa ra số liệu thống kê về tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam. Theo báo cáo này, mức tăng là gần 60% trong năm 2017 và dự báo 3 năm tới tốc độc tăng trưởng cho vay bình quân của lĩnh vực tiêu dùng lên đến 29-30%/năm.

anh_1_3
Số liệu thống kê cho thấy, nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng đạt hơn 23 tỷ USD, tương đương 88% trong năm 2016. Ảnh: VDSC

Người dân vay mượn nhiều hơn

VDSC đánh giá trong ngắn hạn, dư địa tăng trưởng lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở khi quy mô tín dụng tiêu dùng chỉ khoảng 19% GDP năm 2017. Dòng vốn này sẽ tạo động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng GDP trong các năm tới, hỗ trợ sự hồi phục của thị trường bất động sản, chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, những rủi ro tài chính cũng lớn dần khi tâm lý chi tiêu và vay mượn để chi tiêu của khu vực hộ gia đình cởi mở hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm khá thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

"Cho vay tiêu dùng" đã trở thành cụm từ khóa thông dụng trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ với 0,76 giây cho ra 7,2 triệu kết quả. Trên thực tế, bạn sẽ luôn được gợi ý vay trả góp, vay không tài sản đảm bảo... với các khoản vay thông dụng như: Mua điện thoại, mua hàng tiêu dùng… với thủ tục nhanh, dễ dàng trong khoảng vài chục phút thay vì vài giờ đồng hồ như trước đây.

Theo thống kê mới nhất từ hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động, 50% điện thoại trả góp cho phân khúc giá trên 10 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, cùng phân khúc này, tại FPT Shop, con số lên tới 60% và ở CellphoneS là 56%.

Ở góc độ tổng quát hơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có phân loại tín dụng tiêu dùng theo mục đích sử dụng và nhận thấy dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đang hướng tới các khoản vay lớn, trong đó mua bán và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng tới 54%, kế đến là phương tiện giao thông 9,4%. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chính sách cho vay lĩnh vực bất động sản thì diễn biến này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường từ phía cầu, đặc biệt ở phân khúc trung cấp.

Trong khi đó, vai trò của các công ty tài chính lại thúc đẩy thị trường bán lẻ ở các khoản vay dưới chuẩn với giá trị nhỏ hơn. Hàng hóa tiêu dùng lâu bền như tivi, tủ lạnh... chiếm 28% tổng giá trị cho vay ở nhóm này. Nhưng đây chưa phải là tỷ lệ lớn nhất! Với tâm lý chi tiêu mở hơn, người dân sẵn sàng tiếp cận các dịch vụ vay mượn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về học tập, du lịch và chữa bệnh với tỷ lệ lên tới 43%.

Điều này càng chính xác hơn nếu chiếu theo kết quả khảo sát của Nielsen, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan. Việt Nam cũng không còn là quốc gia tiết kiệm nhất thế giới nữa, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu các khoản lớn cho du lịch, mua sắm, bảo hiểm y tế sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

Số liệu thống kê cho thấy, nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng đạt hơn 23 tỷ USD, tương đương 88% trong năm 2016. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Techcombank, Vietcombank, HDBank... đều định hướng phát triển mảng bán lẻ và đều sở hữu các công ty tài chính riêng. Sự tham gia của các công ty tài chính nở rộ trong thời gian qua đã cung cấp khoảng 12% tổng vốn vay tiêu dùng và ngày càng đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong khi đó tín dụng tiêu dùng mới chỉ phục vụ khoảng 30% tổng lượng khách có nhu cầu.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Rủi ro đầu tiên và đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt khả năng chi trả của bản thân. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến gần 60% trong năm 2017 và trong 3 năm tới có thể tăng trung bình tới 29 - 30%/năm. Trong khi đó, tính tới năm 2016 tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực.

VDSC đánh giá đây chính là tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và người dân sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân, đồng thời tăng chi tiêu không gắn với tăng trưởng kinh tế thì nền kinh tế sẽ yếu đi trông thấy trong dài hạn.

VDSC cũng cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những nhân tố chèo lái giá tài sản trên thị trường bất động sản và chứng khoán trong thời gian tới. Hơn 50% dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực này là một động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường. Nhưng điều đó lại góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản, dẫn tới rủi ro khi các tài sản trên được mang đi thế chấp và các ngân hàng đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay.

Vì vậy, những rủi ro tiềm ẩn là rõ ràng và đáng để cảnh báo các nhà lập pháp thực hiện kiểm soát chặt chẽ dòng vốn trên thị trường.

Thùy Linh (t/h)