Người thầy tận tâm với học sinh khuyết tật

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Khi cả nước đang hân hoan chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PV baonhandao.vn có dịp về thăm thầy và trò Trường trung cấp nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa.

Sát ngày 20/11, các thầy cô nhà trường vẫn đang miệt mài đứng lớp, một số nhóm học sinh đang luyện tập cầu lông, tập bóng chuyền trước giờ hội thao. Tại hội trường, vài “cây văn nghệ” đang tập tiết mục biểu diễn trong lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ai vào việc nấy, không sôi nổi, cũng chẳng ồn ào náo nhiệt do đặc thù của trường: Hầu hết các trò là người khuyết tật.

Trường trung cấp nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa (P.Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa) (gọi tắt là Trường Trung cấp nghề - PV) được khởi công xây dựng từ 28/12/2007 với nguồn kinh phí do tổ chức Terre Des Hommes (Đức) tài trợ. Ngày 20/02/2009, trường khánh thành và cũng là ngày khai trường đầu tiên, đón các em khuyết tật khóa đầu tiên về học tập tại nhà trường. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, trường đã đào tạo cho hàng ngàn lao động là người khuyết tật, thanh thiếu niên đặc biệt khó khăn thành nghề và có việc làm, ổn định cuộc sống.

IMG_0145
Khu nội trú của nhà trường 

Để có được thành quả này, những năm qua, các thầy cô giáo của nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, kiên trì bám lớp, bám trường, tận tâm với nghề, vì tình thương với các trò không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể…

Thầy Hoàng Đình Tưởng - Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Là người khuyết tật nên phần lớn các em có tâm lý tự ti, mặc cảm, không muốn rời xa gia đình để đi học, việc sinh hoạt và học tập của các em cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cũng chính vì vậy, công việc của các thầy cô ở đây cũng nhiều thêm một phần. Chúng tôi lại càng cố gắng hơn, dành tình thương cho học trò nhiều hơn, mong các em kiên trì học tập, nắm vững tay nghề để ra trường sẽ chủ động được cuộc sống, trở thành những công dân tốt”.

IMG_0140
Thầy Hoàng Đình Tưởng - Hiệu phó Trường Trung cấp nghề tỉnh Thanh Hóa

Khi được hỏi về tình hình thực tế của nhà trường hiện nay, thầy Tưởng chia sẻ: “Nhà trường hiện đang đào tạo trung và sơ cấp các ngành nghề: May thời trang, may công nghiệp; Thêu ren, thêu tranh; Sửa chữa lắp ráp máy tính; Tin học văn phòng; Điện dân dụng, điện công nghiệp; Cơ khí.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đang còn thiếu nhiều trang thiết bị để cho các em thực hành tay nghề vì xã hội không ngừng phát triển, không ngừng tiến bộ nên các công nghệ tiến tiến phải được cập nhật liên tục. Đặc biệt, do hầu hết các em phải ở lại trường nhưng khu nội trú xây dựng từ khi thành lập nên không đáp ứng đủ nhu cầu, nhà trường hiện phải bố trí 8 em/phòng 16m2. Khu vực bếp ăn và phòng ăn hẹp nên các em phải ăn 2 ca. Nhà trường không có cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực y tế nên việc sơ cấp cứu ban đầu cho các em ốm đau, tai nạn gặp rất nhiều khó khăn”.

Đây chỉ là phần khó khăn chung của nhà trường. Nhưng còn một nỗi trăn trở mà hơn 10 năm qua, các thầy cô Trường Trung cấp nghề tỉnh Thanh Hóa chưa có giải pháp. Đó chính là thu nhập của các thầy cô giáo quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nhiều thầy cô đã phải bỏ nghề, đi làm công việc khác.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trương Ngọc Tiến - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện trường có 667 học sinh (năm 2018 chuyển sang 285 em, năm 2019 tuyển mới 382 em) nhưng nhà trường chỉ có 7 biên chế trong tổng số 31 cán bộ, giáo viên và người lao động. Do các trò hầu hết là người khuyết tật, khả năng tiếp thu bài chậm nên thời gian giảng dạy của giáo viên phải dài hơn. Đặc biệt trong khi thực hành nghề, thầy cô phải hết sức kiên trì, hướng dẫn thì các em mới thao tác được. Công việc vất vả, cần đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết nhưng thu nhập lại quá thấp so với mức sống tại thành phố hiện nay.

Tôi đơn cử như thầy Lê Minh Tuấn - Trưởng khoa Công nghệ thông tin đã công tác tại trường từ ngày đầu thành lập, thầy Nguyễn Thanh Tùng – giáo viên khoa công nghệ thông tin đã công tác 8 năm tại trường; cô Trịnh Thị Mỹ Thương – giáo viên dạy Tiếng Anh, dạy thêu ren, dạy kí hiệu ngôn ngữ đã công tác tại trường hơn 10 năm… Thu nhập của các thầy cô chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Có nhiều thầy cô thu nhập thấp hơn vì trường không có nguồn để chi trả cao hơn. Các học sinh ở đây đều là các em khuyết tật hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đi học không phải đóng góp bất kỳ khoản nào, hưởng theo chế độ của Nhà nước. Nhà trường không có nguồn thu”.  

Thầy Tiến chia sẻ thêm: “Trường có những thầy cô cũng là người khuyết tật nên càng hiểu sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nghề cho người khuyết tật đối với xã hội như: thầy Thanh Tùng, cô Mỹ Thương. Cũng vì vậy mà chúng tôi đang không ngừng cố gắng”.

Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, các thầy cô Trường trung cấp nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang từng ngày, từng giờ miệt mài với bài giảng, tận tâm với nghề, với trò vì một tương lai tươi đẹp hơn cho các học sinh thân yêu.

Tâm Ánh