Người phụ nữ bị cắt nhầm 2 quả thận nhận hỗ trợ 375 triệu đồng

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ngày 3/7, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND TP Cần Thơ tiếp tục đưa vụ án đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe của bà Hứa Cẩm Tú, người bị các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ “cắt nhầm” 2 quả thận cách đây 8 năm.
than-1
Đại diện các bên tại phiên tòa phúc thẩm.

Ngay sau phần thủ tục phiên tòa, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn LS TP.Cần Thơ), người đại diện ủy quyền cho bị đơn là Bệnh viện đa khoa thành phố (ĐKTP) Cần Thơ xin Hội đồng xét xử (HĐXX) cho thương lượng với bên nguyên đơn. Theo đó, phía Bệnh viện đồng ý bồi thường cho bà Tú 350 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện ủy quyền cho nguyên đơn là ông Nguyễn Thiện Trí (chồng bà Tú) không chấp nhận vì cho rằng, sau khi ghép thận bà Tú phải thường xuyên dùng thuốc chống thải ghép nên mắc thêm một số chứng bệnh khác, sức khỏe ngày càng yếu đi. Chi phí đi lại điều trị thiệt hại trong gần 8 năm qua của gia đình là rất lớn nên yêu cầu Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ bồi thường 400 triệu đồng.

HĐXX đã phân tích nội dung vụ án, động viên hai bên nên tìm ra tiếng nói chung nhằm kết thúc vụ án. Cuối cùng, hai bên đã thống nhất mức Bệnh viện phải bồi thường cho bà Tú là 375 triệu đồng.

Sau phần nghị án, HĐXX đã tuyên sửa án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều, chấp nhận sự thỏa thuận của Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ bồi thường cho bà Tú số tiền nói trên, đồng thời Bệnh viện còn phải có trách nhiệm điều trị chuyên khoa suốt đời cho bà Tú. HĐXX cũng tuyên buộc Bệnh viện phải chịu 18 triệu đồng án phí dân sự phúc thẩm.

than-2
Hội đồng xét xử tuyên án.

Đây là vụ tranh chấp kéo dài đã 6 năm, kể từ sau sự việc bà Hứa Cẩm Tú (SN 1975, ngụ ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cắt nhầm hai quả thận. Cụ thể vào ngày 01/12/2011, bà Tú đến Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ để khám bệnh. Tại đây bà được bác sĩ Trần Văn Nguyên (Trưởng khoa Ngoại tiết niệu) trực tiếp điều trị. Sau khi chụp CT, bà Tú được chỉ định mổ nội soi với nội dung bị sỏi thận, ca phẫu thuật do bác sĩ Nguyên và ê kíp thực hiện. Kết thúc ca mổ, bác sĩ Nguyên thông báo cho người nhà bệnh nhân là ca mổ thành công và đưa bà Tú vào phòng chăm sóc đặc biệt nhưng không được gặp người nhà. Tuy nhiên, sau đó bà Tú biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi, gia đình phản ứng nên Bệnh viện tiến hành siêu âm lại mới phát hiện bà Tú đã bị cắt bỏ hai quả thận.

Tại biên bản cuộc họp ngày 15/12/2011 của Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ đã xác định: bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chưa nhận định được thận hình móng ngựa, phẫu thuật viên chưa nhận định được thận hình móng ngựa trước và trong lúc mổ nên cắt lấy hết thận… Đây là lỗi nhận định của phẫu thuật viên.

Sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện đã hỗ trợ chi phí điều trị cũng như đưa bà Tú đi ghép thận ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế. Bệnh viện đã hỗ trợ các khoản chi phí cho gia đình bà Tú là hơn 482 triệu đồng.

Trong thời gian đầu, Bệnh viện hỗ trợ cho bà Tú mỗi tháng là 6 triệu đồng. Đến tháng 9/2012 thì giảm xuống còn 3 triệu đồng/tháng, đến ngày 24/5/2015 phía Bệnh viện thông báo ngưng hỗ trợ nên bà Tú khởi kiện đòi bồi thường.

than-3
LS Lê Quang Vũ (áo đen) - Văn phòng Luật sư Người Nghèo đồng hành miễn phí cho bà Tú 6 năm qua chúc mừng ông Trí.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 6/2017, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tuyên buộc Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ phải bồi thường cho bà Hứa Cẩm Tú 302 triệu đồng, đồng thời bồi thường hằng tháng cho bà 5,8 triệu đồng kể từ tháng 7/2017 cho đến hết đời.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm trên, Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ kháng cáo.

Ngày 23/11/2017, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Người đại diện Bệnh viện cho rằng “không có lỗi” trong vụ việc này, và cho đây là “tai biến y khoa ngoài sức tưởng tượng”. Ở phiên xử này, HĐXX không tuyên án mà công bố hoãn phiên tòa để yêu cầu cơ quan chức năng giám định lại tình trạng sức khoẻ của bà Hứa Cẩm Tú để làm căn cứ, bổ sung hồ sơ vụ kiện.

Chia sẻ với phóng viên sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Thiện Trí cho rằng, thực tâm gia đình không muốn thưa kiện, nhưng Bệnh viện đã hành xử thiếu tình cảm nên buộc gia đình phải nhờ luật pháp bảo vệ quyền lợi cho mình. Tám năm nuôi vợ bị biến chứng (mất sức khỏe 81%) và 6 năm đeo đuổi vụ kiện bản thân ông và gia đình đã rất mệt mỏi.

“Hy vọng từ nay Bệnh viện hãy giữ lời cam kết của mình để vợ tôi được chăm sóc tốt bệnh tình nhằm kéo dài thêm sự sống, để tôi có thêm thời gian lao động nuôi các con khôn lớn nên người”, ông Trí nói.

Trần Công Luỹ