Người cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 117

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Theo thông tin chính thức của Bộ Y tế Nhật Bản, bà Miyako Chiyo - người sống thọ nhất của nước Nhật và cả thế giới - đã qua đời ngày 22/7 ở tuổi 117.

Bà Miyako Chiyo sinh ngày 22/5/1901 và trở thành người phụ nữ sống lâu nhất ở Nhật Bản sau khi Misao Okawa, trước đó được coi là người già nhất, qua đời vào tháng 4 năm 2015. Bà Okawa sinh ngày 5 tháng 3 năm 1898.

Bà Chiyo qua đời ngay sau khi Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận bà là người già nhất còn sống và người phụ nữ lớn tuổi nhất còn sống.

ChiyoMiyako
Cụ Miyako lúc sinh thời. Ảnh: Gerontology Wiki.

Theo công bố của Tổ chức Guiness, gia đình bà Chiyo nhận xét bà là một "nữ thần" tử tế và tốt bụng, thường xuyên mang lại niềm vui cho những người xung quanh. Bà Chiyo thích ăn các món ăn Nhật Bản truyền thống như sushi, lươn và thích luyện tập thư pháp.

Người phụ nữ lớn tuổi nhất còn sống tiếp sau Chiyo đến nay chưa được xác nhận chính thức bởi Guinness. Danh hiệu người đàn ông lớn tuổi nhất ở Nhật Bản hiện đang được ông Masazo Nonaka nắm giữ, người đã bước sang tuổi 113 vào ngày 25/7/2018.

Có thể thấy, những người già nhất thế giới hiện nay đều ở Nhật Bản.

Với tỷ lệ sinh thường xuyên thấp trong lịch sử, Nhật Bản được coi là một quốc gia "dân số siêu già", nơi số dân chúng trên 65 tuổi chiếm một phần không nhỏ. Tính đến tháng 2/2018, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này, Nhật Bản đã có 69.000 người trên 100 tuổi, trong đó 60.000 người là phụ nữ.

Tỉnh Okinawa nổi tiếng với danh hiệu “vùng đất của những người bất tử” với hơn 1.000 người trên 100 tuổi và là một trong năm khu "Vùng xanh" trên khắp thế giới, nơi mọi người sống lâu hơn tuổi thọ trung bình của thế giới.

Nhưng theo dự báo, trường hợp dân số già như Nhật Bản sẽ không còn hiếm nữa. Theo báo cáo của Moody's Investors Service vào năm 2014 thì đến năm 2020, sẽ có 13 quốc gia "dân số siêu già". Khi dân số già tăng, áp lực chăm sóc người cao tuổi có thể gây ra những vấn đề tiêu cực cho các gia đình cũng như toàn bộ hệ thống xã hội.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự đoán rằng dân số trong độ tuổi lao động ở nhiều nền kinh tế phương Tây sẽ giảm hơn 20% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2055, cùng với đó là sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GNP). 

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, ông John Roland Beard - Giám đốc Sở lão hóa và cuộc sống tại Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết: “Điều quan trọng là phải nhận ra rằng các cộng đồng dân số già có thể đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là những cơ hội lớn. Chúng ta cần phải chuyển mô hình khuôn mẫu đã sắp lỗi thời khi quy định tuổi nghỉ hưu cụ thể bằng việc đảm bảo những người lớn tuổi còn khỏe mạnh có thể tiếp tục làm việc và công hiến cho xã hội".

Makoto Suzuki, hiện giờ đã 84 tuổi là bác sĩ chuyên khoa tim mạch và là chuyên gia lão khoa hàng đầu cũng đồng ý với lập trường của ông Beard. Ông Suzuki đã tập trung nghiên cứu của mình vào vấn đề người cao tuổi có thể làm gì để giữ gìn sức khỏe trong khi vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Chi Chi