'Nghe tin con cấp cứu ở viện, phụ huynh hãy yên tâm vì bác sĩ sẽ không bao giờ bỏ bệnh nhân'

Nguyễn Thị Hải Hà
 Theo TS. Vũ Thu Hương, phụ huynh hãy yên tâm nếu chẳng may con phải nhập viện thì bác sĩ sẽ kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho con trước, chi phí để thực hiện cho một ca mổ hay thủ thuật nào đó sẽ tính sau. "Bác sĩ sẽ không bao giờ bỏ bệnh nhân".

Những ngày gần đây, thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện/phẫu thuật" đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.

Một số phụ huynh ở Hà Nội cho biết cũng đã nhận được số điện thoại lạ với chiêu lừa tương tự như ở TP. Hồ Chí Minh: Thông báo con của phụ huynh bị tai nạn và đang phải cấp cứu ở bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mới đây, hai phụ huynh có con học tại trường bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện". May mắn hai phụ huynh này khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.

Qua các sự việc này, chia sẻ với phóng viên báo suckhoedoisong.vn, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho biết, lo lắng là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh nên khi nghe tin con mình gặp nguy hiểm thì đa phần phụ huynh đều sẽ phản ứng theo cách ngay lập tức phải làm sao để cho con mình được an toàn.

con-cap-cuu-chuyen-gia-giao-duc-16787595742381830133135-1678764802.png
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phải hiểu và nắm rõ hai vấn đề sau đây để không bị các đối tượng lừa đảo:
Thứ nhất, điều đầu tiên các bậc phụ huynh phải yên tâm đó là trường hợp khi con chẳng may phải nhập viện cấp cứu thì bác sĩ sẽ kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bệnh trước, chi phí để thực hiện cho một ca mổ hay thủ thuật nào đó sẽ tính sau. Bác sĩ sẽ không bao giờ bỏ bê bệnh nhân, đó là điều chắc chắn.

Thứ hai, trước bất cứ một ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa (thường là vợ, chồng, bố mẹ, con cái,... của người bệnh) cũng phải ký vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lý trong hồ sơ bệnh án.

Thứ ba, nếu phụ huynh nắm rõ các chỉ số y khoa của con mình thì sẽ khó để bị lừa.

Ngoài ra, phụ huynh có thể gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm hoặc cho số hotline của trường để yêu cầu xác minh tình trạng này như: "Hôm nay trong trường có tai nạn gì xảy ra hay không", nếu không có thì phụ huynh sẽ biết ngay đó là một vụ lừa đảo chứ chưa cần gọi đến cô giáo chủ nhiệm, phòng trường hợp cô giáo chủ nhiệm đang có tiết giảng trên lớp mà không nghe được điện thoại của phụ huynh.

Thêm nữa, phụ huynh cần yên tâm một điều là trường học thường có phòng y tế, ở đó nhân viên y tế của nhà trường sẽ xử lý sơ cấp cứu nếu con có chuyện gì xảy ra và sẽ gọi điện cho phụ huynh với thông báo: "Con bị thế này, thế kia, con đang cấp cứu ở phòng khám này, bệnh viện kia, chúng tôi đang ở bên cạnh con..." hoặc "Chúng tôi đã xử lý vấn đề như thế này, các bác sĩ đã sơ cứu xong, con đã ổn, bố mẹ cứ bình tĩnh...". Trường hợp nguy cấp thì nhà trường sẽ thông báo và yêu cầu phụ huynh phải có mặt ngay.

Do đó, một khi có việc gì đó xảy ra với học sinh mà nguy hiểm đến tính mạng thì chắc chắn nhà trường sẽ tìm cách thông báo cho bố mẹ qua số điện thoại, địa chỉ nhà ở, địa chỉ cơ quan của bố mẹ... Sẽ không có trường nào yêu cầu phụ huynh phải chuyển tiền chi trả viện phí như các vụ lừa đảo thời gian qua.

con-cap-cuu-canh-bao-16787595741671108196147-1678764840.png
Tin nhắn cảnh báo của Trường THPT Chu Văn An gửi đến toàn thể phụ huynh nhà trường về sự việc (Ảnh chụp màn hình).

"Bản thân tôi đã từng chứng kiến, bác sĩ cấp cứu bệnh nhân xong, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, không xác định được nhân thân của bệnh nhân thì sẽ đưa lên truyền thông và kêu gọi sự ủng hộ từ đồng nghiệp để thanh toán các khoản tiền mà đã cấp cứu bệnh nhân. Vậy nên chắc chắn không có chuyện bệnh nhân đang nguy kịch mà bỏ bệnh nhân để đòi tiền".

Về việc kiểm soát học sinh ở trường, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho biết, khi các con học sinh đã ở trong trường thì phụ huynh yên tâm đến 90%.

Bởi vào mỗi tiết học, giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày; đồng thời thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp. Với mỗi tiết học mới, giáo viên của tiết đó sẽ quan sát lớp học một vòng để xem sĩ số có khớp với sĩ số đã ghi trên bảng hay không, đó là nguyên tắc.

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương khuyên các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, tỉnh táo, kìm chế cảm xúc để nhận biết và tìm cách ứng phó. "Đối với những sự việc liên quan trực tiếp đến an nguy của các con, phụ huynh cần xác minh thông tin một cách kỹ càng, chính xác trước khi thực hiện hoạt động chuyển tiền. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận giải quyết".