Nghệ An: Nuôi cá lồng trên lòng thủy điện, nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo

Hoàng Quốc Tiến
Từ Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An về việc hỗ trợ nuôi cá lồng trên địa bàn 6 huyện miền núi, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo và trở thành hộ khá. Mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, tận dụng triệt để lợi thế trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS.

Quế Phong là huyện biên giới, 90,4% dân số là người đồng bào DTTS phân bố ở 13 xã, thị trấn. Trong đó có 2 xã là Đồng Văn và Thông Thụ nằm giáp với lòng hồ thủy điện Hủa Na. Phát huy lợi thế có mặt nước lòng hồ thủy điện Hủa Na và chủ trương hỗ trợ của tỉnh, đồng bào các DTTS ở xã Đồng Văn đã phát triển nghề nuôi cá lồng. Lúc đầu chỉ có vài chục lồng nuôi cá nhỏ lẻ, đến nay mô hình này đã phát triển nhân rộng nhanh chóng lên hàng trăm lồng nuôi.

image-20221005163934-1-1675907338.jpeg
Mô hình cá thát lát lồng của hộ anh Lang Văn Cường - bản Na Chảo, Đồng Văn, Quế Phong

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Đồng Văn có 49 hộ tham gia nuôi với tổng 630 lồng. Mô hình nuôi cá lồng tập trung chủ yếu ở Bản Mường Hinh, Bản Pù Duộc, Bản Na Chảo - Piềng Văn.… Các giống cá được đồng bào nuôi nhiều là trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng. Là nước đầu nguồn nên môi trường sạch sẽ, thức ăn được tận dụng từ sản xuất nông lâm nghiệp, cá tạp đánh bắt trên lòng hồ… nên được khách ưa chuộng, cá được bán với giá thành cao.

Hộ gia đình anh Lang Văn Cường - bản Na Chảo hiện đang nuôi 24 lồng trên tổng diện tích 1.536 m2. Anh Cường cho biết, năm 2017 gia đình anh bắt tay vào nuôi thử nghiệm chủ yếu là cá trắm cỏ, sau khi thu được kết quả khả quan đến nay gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi 24 lồng với đủ các loại cá như trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá bọp. Mỗi lồng có thể tích 64m3, mật độ nuôi đối với cá leo khoảng 20 con/m2 , đối với cá trắm cỏ 20 - 30 con/m3. Sau 8 -10 tháng nuôi đạt 3 - 4 tạ/lồng, thu nhập mỗi lồng một năm từ 40 - 45 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đã thu lợi về cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

bna-image-843998-1232021-1675907338.jpg
Thức ăn chủ yếu của cá lồng ở các lòng hồ là sản phẩm phụ nông nghiệp, cá tạp đánh bắt ở lòng hồ

Với những hộ đồng bào DTTS ở xã vùng sâu Đồng Văn, đây là khoản thu nhập lớn. Từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện không những giúp gia đình anh Cường thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá.

Từ thành công của gia đình anh Cường, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ đã được nhân rộng. Trong đó có nhiều hộ gia đình nuôi với số lượng lớn như hộ Lang Văn Mão, Hà Thanh Truyền, Lương Văn Thái,…. Điển hình là hộ anh Trần Văn Thuận hiện nay là hộ dẫn đầu về số lượng lồng nuôi trong xã với 63 lồng. Với giá bán hiện nay giao động từ 80- 100.000 đồng/1kg, gia đình anh thu về khoảng 700 triệu đồng/năm.

bna-image-7854027-1232021-1675907338.jpg
Sau 1 năm nuôi, trung bình mỗi lồng nuôi cho thu nhập 30-40 triệu đồng

Trước đây, các hộ đồng bào DTTS sống ven lòng hồ thủy điện Hủa Na sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không thoát được nghèo. Kể từ khi mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển, cuộc sống bà con đã thay đổi và ổn định hơn. Toàn xã Đồng Văn có 6 bản thì có 4 bản nằm sát với long hồ thủy điện Hủa Na. Nghề nuôi cá lồng đã trở thành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Từ Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An về việc hỗ trợ cho các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn 6 huyện miền núi, mô hình nuôi cá lồng đã phát triển mạnh. Không riêng xã Đồng Văn (huyện Quế Phong), tại huyện miền núi Tương Dương, việc nuôi cá lồng cũng phát triển mạnh. Đồng bào các DTTS sống ở các xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông nơi tiếp giáp với lòng hồ thủy điện Khe Bố, Thủy điện Bản Vẽ hiện đã có gần 400 lồng nuôi.

bna-long-ca-cua-nguoi-dan-tren-long-ho-thuy-dien-hua-na-anh-tien-dong6634886-1232021-1675907338.jpg
 

Từ Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện phát triển mạnh

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là hướng phát triển kinh tế mới tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS sống ven các lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên nhiều hộ nuôi và cả chính quyền địa phương 2 huyện Quế Phong và Tương Dương băn khoăn là hiện nay ở 2 địa phương này chưa có trại giống. Chính vì vậy, mà người nuôi vẫn phải phụ thuộc vào nguồn giống ở xuôi mang lên, nhiều lúc còn bị thương lái ép giá. Để nghề nuôi cá lồng ở vùng đồng bào DTTS phát triển theo hướng vững chắc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có phương án để phát triển trại cá giống để người dân chủ động trong con giống, chăn nuôi bền vững.

Hoàng Tiến