Ngành Y tế Hà Giang: Từng bước nâng cao hiệu quả trong khám, chữa bệnh mang lại niềm hy vọng cho người dân

Đặng Thu Hằng
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong năm 2022, ngành y Tế Hà Giang đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong công tác nâng cao chất lượng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Những thành quả nổi bật của Y tế Hà Giang năm 2022

Sở Y tế Hà Giang đã chủ động phối hợp với các Ngành tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy và các Kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện các Chương trình hành động về công tác y tế, dân số trong tình hình mới, đảm bảo đúng tiến độ, nội dung và các yêu cầu đã đề ra. Tham mưu cho tỉnh trong việc tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế về tổ chức chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tham mưu cho tỉnh triển khai các văn bản, Kế hoạch chỉ đạo các địa phương, các ngành và các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống dịch chủ động, tích cực và hiệu quả.

Đồng thời ngành Y tế Hà Giang đã tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra. Về hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại những khu vực trọng điểm như biên giới. Thực hiện tốt các hoạt động truyền thông về phòng chống và quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm phổ biến khác.

lay-mau-xet-nghiem-covid-19-cho-dong-bao-dan-toc-ha-giang1-1672224340.jpeg
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đồng bào dân tộc ở Hà Giang.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, công tác kiểm tra, giám sát phát hiện được tổ chức thường xuyên, thông tin, giáo dục, truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức, nội dung khá phong phú. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được giám sát và kiểm soát tốt.

Mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến tiếp tục được củng cố, ổn định và phát triển, đảm bảo thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh...

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo theo đúng quy định và trình tự, thủ tục. Thường xuyên phối hợp với các Sở/Ngành liên quan tổ chức các đoàn công tác nhằm kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tích cực ứng dụng và triển khai có hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến nhờ đó người bệnh không phải chuyển tuyến trên, giúp người dân giảm được thời gian và những gánh nặng về kinh tế. Trong đó, mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tiến tới quản lý sức khỏe người dân theo hộ gia đình được triển khai tại các xã điểm và đang mở rộng quy mô.

Kết quả kiểm tra thi đua cuối năm 2022: Đối với khối điều trị có 02 đơn vị đạt mức tốt, 12 đơn vị đạt mức khá, 01 đơn vị đạt mức trung bình (bao gồm cả đơn vị y tế tư nhân); Đối với khối dự phòng có 02 đơn vị đạt xuất sắc, 13 đơn vị đạt mức tốt, 01 đơn vị đạt mức khá, không có đơn vị mức trung bình.

Từng bước nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh

Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều tập trung nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, xây dựng quy trình khám, chữa bệnh khoa học, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết hiện đại, tiên tiến hỗ trợ các bệnh viện trong chẩn đoán, điều trị như hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhiều thông số, hệ thống máy chụp CT- Scan đa dãy, MRI, hệ thống chụp mạch DSA, hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống máy thận nhân tạo.

photo-1668850879013-1668850879272963190684-1672224182.jpg
Máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy chẩn đoán bệnh chấn thương sọ não, bụng, cột sống, u phổi, u não…

Trong năm 2022 các bệnh viện đã tích cực triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới như: Tim phổi nhân tạo (ECMO), hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn bằng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO), kỹ thuật chạy máy hỗ trợ tim phổi (ECMO) ở trẻ em, Phẫu thuật điều trị gãy Lefort III bằng nẹp vít hợp kim, Phẫu thuật điều trị lồi xương ức, Phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh, Phẫu thuật dẫn lưu não thất, Tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản (Phương pháp Foley, Anderson – Hynes), các phẫu thuật ung thư, Chụp mạch và nút mạch điều trị các bệnh lý mạch máu và các khối u; Nong đặt stent đường mật, Chụp, nong và đặt stent động mạch vành, thông tim, sinh thiết các khối u dưới cắt lớp vi tính, Kỹ thuật thay huyết tương... Tán sỏi laser, Holter điện tim, Holter huyết áp, triển khai phẫu thuật nội soi tại hầu hết các bệnh viện tuyến huyện.

z3799949064805-53e9bbb87c7dfa577e111df84fc8c391-120221014192612-1672224248.jpeg
Hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó ngành y tế đã triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu về lĩnh vực ngoại khoa, chấn thương, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, thực hiện tốt việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến Trung ương theo Đề án 1816, trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội (Với các chuyên ngành Ngoại chấn thương, Tim mạch...). Tổ chức đào tạo cho 40 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng được giao nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Qua đó, giúp người bệnh được tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ khám chữ bệnh kỹ thuật cao ngay tại tỉnh nhà. Các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh có điều kiện được nâng cao chuyên môn kỹ thuật, cập nhật các kiến thức mới góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao uy tín của bác sĩ, từ đó giảm sai sót chuyên môn trong điều trị người bệnh, đặc biệt là những ca bệnh khó, ca bệnh cấp cứu. Nhờ vậy mà tỷ lệ người bệnh đến khám và điều trị ngày càng cao, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

Ông Vũ Mạnh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao ngành Y tế tỉnh đã chủ động tham mưu cho tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong chỉ đạo triển khai công tác khám chữa bệnh, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung giám sát, kiểm soát và phòng chống dịch COVID-19. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân chủ động phòng chống dịch, giảm mạnh ca bệnh diễn biến nặng và hạn chế tối đa tử vong; không ngừng phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu tại các tuyến, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế.

Mạnh Linh