Ngành Logistic ở Việt Nam sẽ phát triển thế nào?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Tối 28/6/2018, Diễn đàn Kết nối ở châu Á: Thương mại, Vận chuyển, Logistics và Kinh doanh đã diễn ra tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội (Số 2 Đường Thanh Niên) do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức

Diễn đàn có sự tham gia của các khách mời là các diễn giả uy tín, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, ngành logistic trong và ngoài nước; đặc biệt là sự có mặt của PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn đã thu hút khoảng 350 người tham dự đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học và tổ chức trong nước, cũng như phụ huynh và sinh viên theo học ngành Logistic.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó giáo sư Robert McClelland, Chủ nhiệm nhóm ngành Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, cho biết diễn đàn được tổ chức nhằm tìm hiểu quan điểm của các chuyên gia trong ngành, những người làm chính sách và các học giả, đồng thời tạo kênh thảo luận các chủ đề quan trọng liên quan đến chuỗi cung ứng và logistics ở Việt Nam.

Các chủ đề trình bày tại diễn đàn gồm: "Logistics và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam" do PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày. "Logistics ngày nay và làm thế nào để chuẩn bị cho tương lai" do bà Đoàn Thị Diễm Hằng, Giám đốc chi nhánh khu vực Miền Bắc, Công ty Schenker Việt Nam trình bày.

Ngoài ra Tiến sĩ Paul Taewoo Lee - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Logistisc hàng hải và Vùng đảo mậu dịch tự do thuộc Khoa Đại dương Đại học Zhejiang (Trung Quốc) cũng tham gia thuyết trình với chủ đề  "Thách thức và đối phó với các xu thế lớn trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu hoá" và Tiến sĩ Inkyo Cheong - Phó hiệu trưởng Đại học Inha (Hàn Quốc) với bài thuyết trình  "Bảo hộ thương mại toàn cầu và ảnh hưởng với Việt Nam".

Trong bài phát biểu của mình, cả Tiến sĩ Trần Đình Thiên và bà Đoàn Thị Diễm Hằng đều nhấn mạnh tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển ngành Logistic ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai là hết sức to lớn. 

Song cả hai cũng nhấn mạnh tiềm năng là vậy nhưng thách thức cũng hết sức nhiều: Từ cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng- giao thông, công nghệ, hệ thống bến bãi- kho, tính liên kết giữa các doanh nghiệp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ)... 

Dien_dan_ket_noi_chau_A2
Có khoảng 350 khách mời đã tới tham dự Diễn đàn.

Các diễn gỉa quốc tế đưa đến những thông tin cập nhật về sự phát triển ngành Logistic trong khu vực châu Á trước những biến đổi của toàn cầu hóa. Đặc biệt nhấn mạnh đến thực trạng là Trung Quốc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mở đường cho ngành logistic bứt phá bằng tuyến đường sắt xuyên châu Âu- giải pháp thay thế tuyến vận chuyển đường biển truyền thống (nhằm rút ngắn việc vận chuyển hàng hóa từ 45 ngày xuống còn 14 ngày từ Trung Quốc sang nội địa châu Âu).

Trung Quốc đã khai trương tuyến tàu lửa chở hàng dài gần 12.000 km từ tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc) đến thị trấn Barking (London, Anh) vào đầu năm 2017. Chuyến tàu sẽ đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đến Anh

Nhận định về xu thế này, các chuyên gia đều cho rằng: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đều rất lớn. Trong tương lai gần, chắc chắn, ngành logistic sẽ ngày càng phát triển mạnh ở nước ta, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao chất lượng của nền kinh tế trong nước cũng như ngành xuất nhập khẩu... bởi Việt Nam có vị trí trung tâm của các luồng giao thông lớn của quốc tế.

Vấn đề được đặt ra đó là: Việt Nam có nắm bắt được không và chuẩn bị như thế nào để đáp ứng được xu thế đó thì các chuyên gia vẫn chờ phản hồi từ phía Nhà nước trong việc thay đổi cơ chế chính sách và các Doanh nghiệp cần phải thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. 

Diễn đàn được kì vọng sẽ khuyến khích Chính phủ và các Doanh nghiệp logistic tham gia đối thoại, đồng thời tạo nền tảng tổ chức diễn đàn uy tín hàng năm nhằm hỗ trợ ngành logistics đang trên đà phát triển ở Việt Nam.

Chi Chi