Nam Định: Triệt phá đường dây làm văn bằng giả cực lớn qua mạng

Đặng Thu Hằng
Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an vừa phối hợp với Công an tỉnh Nam Định triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ giấy tờ giả đặc biệt lớn, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.

Sáng ngày 10/11, tại tỉnh Nam Định, Ban chuyên án đã bắt quả tang Trần Văn Hạnh (SN 1994, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cùng Hoàng Văn Nguyện (SN 2000, thường trú xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức.

Theo tài liệu điều tra, nhóm đối tượng trên đã quảng cáo, bán hàng chủ yếu trên mạng xã hội (Facebook, Tik Tok,…). Khách hàng là những người cần bằng cấp và không cần thi cũng đỗ. Các đối tượng đưa ra cam kết phôi thật, bằng thật… để đánh vào tâm lý nhiều người không muốn bỏ thời gian đi học, thi nhưng vẫn có bằng thật.

286fcb7e041bd3a793270325473b0f2f-1668103507.jpeg
Nhóm đối tượng bị bắt giữ tại cơ quan công an. (Ảnh: VTV)

Khi khách có nhu cầu mua bằng, các loại giấy tờ, nhóm đối tượng này sẽ yêu cầu khách hàng gửi thông tin cá nhân như ảnh, họ và tên, ngày sinh, quê quán và loại giấy tờ yêu cầu để sản xuất giấy tờ giả.

Sau khi làm giả xong, các đối tượng thông qua hoạt động chuyển phát để vận chuyển giấy tờ giả đến cho khách hàng. Để đối phó với lực lượng chức năng và công ty chuyển phát, chúng thường không trực tiếp đi gửi hàng đến công ty chuyển phát mà thuê xe dịch vụ (xe ôm, grab…).

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả và hàng nghìn phôi để sản xuất giấy tờ giả; 3 bộ máy vi tính; 2 máy in màu; 5 điện thoại thông minh và máy ép nhựa, 9 hộp mực in các loại màu, hàng nghìn tem, sổ sách ghi chép khách hàng...

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã triệu tập 2 đối tượng Nguyễn Trọng Tải (SN 1989, ở xã Giao Yến, huyện Giao Thủy); Nguyễn Văn Toàn (SN 1989, ở xã Bạch Long). Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

305afaa305412d3e30996ef554b353a4-1668103507.jpeg
Tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ.

Chỉ trong khoảng 1 tháng, các đối tượng trong đường dây này đã sản xuất, bán và chuyển phát đến khách hàng thông qua dịch vụ bưu chính hơn trên 5.000 văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả (bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ hành nghề, giấy phép lái xe các loại, giấy khám sức khỏe…), thu số tiền bất chính hơn 2 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra mở rộng.

Trước đó không lâu, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 đối tượng; thu giữ tang vật gồm 604 phôi bằng giả các loại, 13.106 tem giả, 151 loại giấy tờ giả đã in ấn và 5 bộ máy tính, 10 điện thoại di động, 14 máy in màu, máy scan, máy ép nhựa, 97 con dấu giả phục vụ cho các hoạt động sản xuất văn bằng chứng chỉ giả của các đối tượng.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng nêu trên; không đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ… lên các trang mạng xã hội, vì rất có thể đó là khởi nguồn để tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ để lừa đảo. Việc tham gia các hoạt động mua bán, sản xuất tài liệu con dấu của các cơ quan tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật.

T.H.