Muốn cải cách giáo dục phải thay đổi từ cách quản lý con người

Tạp Chí Nhân Đạo
Nước ta vẫn còn nặng về mặt hình thức vì vậy muốn thay đổi cải cách giáo dục thì trước tiên phải thay đổi về mặt tư duy, con người, nhìn nhận các vấn đề ở thực tế chứ không phải là hình thức.

Nên giảm tải các thủ tục hành chính

Từ xưa đến nay, những người thầy vẫn thường bị gò bó trong những thủ tục hành chính với cái khuôn quản lý chính sách chưa khoa học và nhân văn. Vì vậy muốn cải cách giáo dục thì trước tiên phải thay đổi lại cách quản lý con người để họ có thể tự giác ý thức được công việc cũng như tinh thần trách nhiệm.

Người thầy luôn bị gói trong những cuốn sổ sách như sổ giảng dạy, sổ quản lý chuyên môn, sổ dự giờ, số chủ nhiệm, sổ đầu bài… Có những loại sổ có từ thời bao cấp vẫn được các địa phương duy trì đến ngày hôm nay. Đây là một cách quản lý giáo dục vô cùng lạc hậu và nặng nề về hành chính, gây nhiều trở ngại trong công tác chuyên môn.

2_LRWB
Nên giảm tải các thủ tục hành chính trong ngành giáo dục

Giáo viên một trường THPT cho biết, việc ghi vào sổ nội dung cuộc họp là việc của mỗi người, sao phải cần thêm sổ họp? Hay như số kế hoạch, kế hoạch thì có thời khóa biểu và lịch giảng dạy rồi, sao phải cần thêm sổ kế hoạch?Việc ép buộc giáo viên phải ghi quá nhiều sổ gây mất nhiều thời gian trong công tác giảng dạy.

Hay như việc soạn giáo án, nhiều trường còn quy định giáo viên không được soạn giáo án điện tử do sợ sao chép của nhau. Nhiều trường hợp giáo viên phải soạn giáo án trước một tuần, thiết kế bài giảng theo mẫu quy định, hiệu trưởng hoặc người ủy quyền sẽ duyệt bài giảng trước khi thầy cô lên lớp. Bài soạn phải ghi rõ ngày dạy, ngày soạn, tiết dạy và lớp dạy. Đối với những giáo viên nhiều kinh nghiệm thì việc soạn giáo án là không cần thiết bởi khi là một giáo viên giỏi nhiều kinh nghiệm họ sẽ không bao giờ phụ thuộc vào giáo án.

Một khi giáo viên thoát khỏi giáo án thì bài giảng mới thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với những môn học xã hội. Khi đánh giá chất lượng giảng dạy hãy tìm hiểu nhận xét của học sinh, phụ huynh, trực tiếp lên lớp dự giờ bởi một giáo viên có thể soạn giáo án rất hay nhưng cách truyền đạt lại kém, không gây hứng thú cho học sinh học thì cũng không mang lại hiệu quả thật sự.

Đặc biệt công tác thanh tra giáo dục tại Việt Nam cũng đang nặng thủ tục hành chính, áp đặt, nhận xét thiếu căn cứ, chê bai, không mang ý nghĩa góp ý, động viên mà chỉ mang tính quy chụp, quyền hành. Chính vì vậy muốn thay đổi giáo dục cũng cần phải thay đổi lại công tác thanh tra chuyên môn, tránh lạm quyền hạn.

Giảm tải những hội nghị, họp hành

Một giáo viên thường phải tham gia rất nhiều cuộc họp, đầu tuần họp giao ban, giữa tuần họp hội đồng sư phạm, cuối tuần họp chuyên môn, họp chi bộ, họp công đoàn, họp tổ chuyên môn…Thực chất có nhiều cuộc họp chỉ cần thông báo nhanh gọn theo nhóm hoặc email, chỉ cần vài dòng cũng có thể truyền tải được.

Không thể để các trường bắt giáo viên họp hành triền miên, gây mệt mỏi, mất thời gian đầu tư bài giảng. Chưa kể, các kỳ nghỉ hè, lễ tết học sinh nghỉ vẫn bắt giáo viên đi trực cơ quan, một việc làm hoàn toàn không có trong chức năng nhà giáo - đó là việc làm của bảo vệ.

Tiếp đến việc xếp hạng thi đua cuối năm cũng cần phải được cải cách bởi dù giáo viên có giỏi đến đâu thì danh hiệu cao nhất cũng thuộc về hiệu trưởng như một điều hiển nhiên. Đặc biệt việc lấy điểm số học sinh làm tỷ lệ xét thi đua giáo viên là không nên bởi không tránh được trường hợp giáo viên nâng điểm để giữ thi đua. Vậy là điểm ảo, ngồi nhầm lớp và chắc chắn tỷ lệ nghịch với chất lượng giáo dục khi mà điểm số học sinh luôn cao chót vót.

Vì vậy cải cách giáo dục muốn thay đổi phải bắt đầu thay đổi từ cách quản lý con người, không nhìn nhận vấn đề theo hình thức đối phó mà phải đi vào thực tế, đánh giá thực chất về dạy và học. Đặc biệt cần phải có phương pháp nhằm phát huy tính tự giác của giáo viên, ý thức trách nhiệm của những người thầy. Có như vậy các thầy cô giáo mới có đông lực để phát huy tốt nhất năng lực cũng như phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

P.Thảo