“Méo mó” những lớp học phụ đạo

Tạp Chí Nhân Đạo
Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ, ấp,… để lại nhiều hậu quả xấu tác động đến vai trò, vị trí, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức người thầy và ảnh hưởng rất lớn tới học sinh. Bên cạnh những hình ảnh không đẹp về người thầy trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang khiến người thầy trở nên “méo mó” thì đâu đó, vẫn còn những lớp học phụ đạo miễn phí của những thầy cô giáo tâm huyết với nghề.

Không biết từ lúc nào, trong các trường học, khái niệm dạy phụ đạo và dạy thêm đang bị đánh đồng. Nói đến dạy phụ đạo, mọi người đều nghĩ ngay đến việc dạy và kèm cặp học sinh yếu kém, học sinh mất căn bản không theo được chương trình. Riêng học sinh khá giỏi cần nâng cao kiến thức phải nói là dạy bồi dưỡng mới hợp lý. Thế nhưng, hầu như trường học nào cũng gắn hai chữ phụ đạo cho các lớp học được tổ chức ngoài giờ chính khóa hàng ngày.

b_hoc-them
Ảnh minh họa.

Miệt mài những lớp học phụ đạo không thu phí

Nhiều thầy cô giáo sẵn sàng dùng những giờ nghỉ của mình để phụ đạo, kèm cặp thêm cho những học sinh còn yếu kém. Có thầy cô tình nguyện dạy thêm nhưng không thu tiền chỉ mong học sinh tiến bộ. Có thầy cô đi xin từng bộ đồ, từng đôi dép, mua cho các em từng cái cặp, từng bộ sách giáo khoa. Người lại tự nguyện đóng tiền học phí, tiền bảo hiểm cho các em mà không cần gia đình phải hoàn lại.

Thầy Nguyễn Trà (Đống Đa, Hà Nội) dù đã ở tuổi 85, tóc bạc, da mồi nhưng còn minh mẫn. Thầy Trà từng là học sinh trường Bưởi, thi đậu đại học rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Thầy thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, Italy và biết chữ Hán.

Năm 1992, ông giáo về hưu bắt đầu mở lớp hướng thiện, góp nhặt những đứa trẻ nghèo từ các bãi rác, xóm lao động về dạy chữ. Lớp học có bàn và hơn chục chiếc ghế đã cũ, thường duy trì khoảng 20 học sinh. Thầy không đứng trên bục giảng mà ngồi bên cạnh trò, xem các em học chỗ nào chưa hiểu thì chỉ bảo ngay. Trải qua 25 năm, từ lớp học này, nhiều người thi đỗ cao đẳng, đại học, đi học nghề, tìm được cho mình công việc ổn định. Còn rất rất nhiều những người thầy còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng vẫn ngày đêm chèo lái nhiều thế hệ học trò bằng cả trái tim và tâm huyết người thầy. Tiếc rằng, những hình ảnh đẹp ấy lại xuất hiện khá hiếm hoi trên báo, trên các trang thông tin điện tử. Thay vào đó là trăn trở, bức xúc bởi những “con sâu làm rầu nồi canh”…

“Méo mó” những lớp học thêm

Thật chua chát khi nói đến một sự thật không thể chối cãi rằng, không ít giáo viên dạy thêm là vì tiền, vì thu nhập của giáo viên còn hạn chế. Những giáo viên trên cật lực phản đối cấm dạy thêm, hay bất chấp pháp luật, quy định để dạy thêm trái quy định mục đích duy nhất là tiền.

Còn nhớ một sự kiện khi UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành chủ trương cấm dạy thêm ngoài nhà trường, thì nhiều giáo viên phản đối nhưng lý do phản đối là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên đành dạy thêm.

Vì thu nhập của giáo viên trong trường phổ thông còn hạn chế nhưng thu nhập từ dạy thêm rất lớn (gấp 5 – 10 lần thậm chí 20 lần) nên nhiều giáo viên đành “bán mình cho quỷ” vi phạm nguyên tắc làm thầy, quy định của nhà nước.

Chính vì nguyên nhân trên nên giáo viên coi dạy thêm là thu nhập chính, công việc chính, dạy trên lớp chỉ là công việc phụ.

Giáo viên tranh thủ giờ trên lớp để “chiêu dụ” học sinh học thêm: la mắng, cho bài tập khó,….  Một số học sinh có ý định thi vào sư phạm, chỉ lựa chọn các môn có dạy thêm hoặc sau khi ra trường “chạy” vào các trường “điểm” nhằm mục đích là để được dạy thêm.

Một số giáo viên còn tạo “liên minh” ép học sinh phải học thêm nhiều môn khác nhau. Không cần biết dạy thêm mang lại điều gì cho học sinh, miễn làm sao lôi kéo được học sinh đến học thêm càng nhiều càng tốt. Mục đích dạy thêm chủ yếu là vì “tiền” nên ở các tiết học thêm học sinh thường được nghe giáo viên nhắc nhở về thời gian đóng tiền.

Có giáo viên thu theo buổi học, có đi học là có đóng tiền, có trường hợp ví von khi học sinh học thêm, khi đến nơi giáo viên đặt một “nón lá” trước lớp, học sinh bỏ tiền buổi học vào “nón lá” đó và đi vào học thêm.

Riêng việc giáo viên thu tiền học sinh, rồi trả tiền, rồi nhắc nhở các học sinh khác đem tiền đến đóng đã tốn hết gần một phần ba thời gian. Các tiết học thêm giáo viên chủ yếu dạy trước kiến thức (dù điều này là điều cấm), học sinh làm xong vào lớp làm lại, gần tới ngày kiểm tra 15 phút, 1 tiết hay học kỳ, giáo viên thường giao các đề cho học sinh làm sau đó giáo viên chấm và sửa. Tất nhiên là những đề đó hầu hết sẽ nằm trong đề kiểm tra trên lớp, nên học sinh học thêm đương nhiên là điểm kiểm tra tương đối cao (vì gần như biết trước đề).

Học sinh mệt mỏi, giáo viên không mặn mà

Một số giáo viên giỏi không mặn mà khi phải đi dạy phụ đạo. Theo họ, nhà trường thường trả thù lao cho giáo viên theo tiết. Nếu tính bình quân chỉ khoảng 70-80 ngàn đồng/tiết, số tiền này còn thua xa số tiền nhà nước trả cho một giáo viên khi dạy vượt mức giờ quy định.

Các cô tâm tư: Để dạy một tiết luyện thi cho học sinh 12, giáo viên phải soạn bài kĩ lưỡng, phải đầu tư rất lớn khi dành thời gian nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều kiến thức ôn tập ở các tài liệu, nhiều đề thi nhưng thù lao trả như thế không đủ để tái tạo sức lao động.Trong khi dạy thêm bên ngoài chỉ khoảng chục em thì một lớp dạy phụ đạo trên trường phải đông gấp 3 lần như thế.

Giáo viên không mặn mà, học sinh không muốn học nhưng tại sao nhiều trường học vẫn cứ thích tổ chức việc dạy phụ đạo ở trường như thế.

Nếu làm một cuộc phỏng vấn, đương nhiên chúng ta sẽ nhận được câu trả lời của những hiệu trưởng không thể hay hơn là “để nâng cao chất lượng học tập cho các em, để đảm bảo cho kỳ thi trung học phổ thông đạt kết quả tốt, để các em có nền kiến thức tốt đáp ứng yêu cầu trong kì thi tuyển sinh đại học…”. Nhưng thực chất nó lại nằm ở nguyên nhân sâu xa hơn đó là tiền phần trăm được nhận của ban giám hiệu nhà trường không hề nhỏ sau hoạt động dạy phụ đạo trong trường.

Những khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi, những cái ngáp dài tưởng xái cả quai hàm, những cái đầu gục xuống tranh thủ chợp mắt dù chỉ là vài phút ít ỏi là hình ảnh thường thấy của các nam nữ học sinh bậc trung học phổ thông bây giờ. Với lịch học dày đặc, các em hầu như không còn nhiều thời gian nghỉ ngơi cho lại sức. Cơ hội này càng trở nên hiếm hoi đối với những học sinh nhà ở xa trường nhưng phải ở lại để học phụ đạo buổi chiều.

Nghe các em kể, tôi hỏi rằng đã học phụ đạo trên trường sao còn phải đi học thêm? Cả đám nhao nhao trả lời “Học phụ đạo ở trường không được chọn thầy cô mình thích mà học với đúng thầy cô giáo dạy chính khóa nên tụi con không muốn học”. Hỏi kĩ thì được biết, trên lớp thầy cô dạy buồn ngủ lắm, phương pháp dạy không lôi cuốn, thầy dạy không nhiệt tình nên học sinh không hiểu bài. Học chính khóa đã phải chịu đựng, học phụ đạo cũng thế nên buộc phải đăng kí học thêm bên ngoài. Đây cũng chính là lý do mà nhiều học sinh đưa ra phản đối việc nhiều trường tổ chức dạy phụ đạo trong trường.

Nghề giáo là một nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý, mỗi giáo viên hãy chung tay chung sức xây dựng môi trường học tập lành mạnh, công bằng, hãy là người thầy thật sự trong mắt phụ huynh và học sinh, cung cấp kiến thức, vốn sống để các em vào đời làm người tốt, có ích cho xã hội. Nếu dạy thêm, mong giáo viên chỉ dạy thêm những em học sinh trung bình và yếu, dành thời gian học tập nâng cao chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục.

Giảm áp lực học tập cho các em không còn cách nào khác ngoài việc cần lên án mạnh mẽ kiểu dạy, học thêm trá hình trong nhà trường, để tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn việc dạy và học kém chất lượng về kiến thức nhưng lại tốn khá nhiều thời gian của các em như vậy.

N.Hà