Khoảng 3.000 thanh thiếu niên tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm

Đặng Thu Hằng
Ngày 16/9, Bộ GD&ĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam và Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động học sinh sinh viên (HSSV) nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) năm học 2023-2024.

Lễ phát động với sự tham gia của hơn 20.000 học sinh với nhiều hoạt động phổ biến pháp luật về ATGT đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, cho biết cả nước có khoảng 23 triệu học sinh, sinh viên. Trung bình mỗi năm, 3.000 thanh thiếu niên tử vong do tai nạn giao thông, chiếm khoảng 40% tổng số vụ tai nạn giao thông cả nước.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Anh

Theo ông Hùng, vai trò của giáo dục là giải pháp nền tảng, đóng góp rất đặc biệt trong việc đảm bảo ATGT. Ông cũng mong muốn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong tuyên truyền kiến thức về ATGT để thời gian tới không còn phải nghe tin người gây tai nạn là đối tượng thanh, thiếu niên.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GDĐT) nhấn mạnh: Tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ngành Giáo dục với trên 23 triệu HSSV là thế hệ tương lai, nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước.

an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-2-3031-1694848575.jpeg
TS. Trần Văn Đạt phát biểu tại buổi lễ.

Việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật là mục tiêu chủ yếu của các cơ sở giáo dục.Trong đó, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông.

“HSSV vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do một số em có ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông hạn chế, vi phạm pháp luật ATGT như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông…”, ông Đạt nói.

Học sinh tham gia tại điểm cầu trực tiếp Đồng Nai.

Ông Đạt cũng yêu cầu trong thời gian tới nhà trường cần tập trung đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT và lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả.

Các trường tổ chức cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy...

Tại lễ phát động đại diện lãnh đạo của 5 Sở GD&ĐT các tỉnh: Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Long An, Bình Phước và 5 trường Đại học: SPKT TPHCM, Nông Lâm TPHCM, Bình Dương, Lạc Hồng, Kinh tế Công nghiệp Long An đã ký cam kết với Bộ GD&ĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông năm học 2023-2024.

TH