Hơn 87.000 tấn vải thiều được xuất khẩu

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Hiện nay, vải thiều đã được xuất khẩu sang hơn 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản... đứng đầu về thị phần vẫn là thị trường Trung Quốc.
12550_5
Vải Thiều Việt Nam đang rất thu hút khách hàng, được các đối tác đón nhận tích cực.

Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu  sang Trung Quốc đạt khoảng 86.500 tấn, xuất khẩu sang các thị trường khác là trên 500 tấn.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, đến ngày 26/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh Bắc Giang là 183.836 tấn.

Ngoài xuất khẩu đi các nước như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc, thị trường tiêu thụ  trong nước tập trung ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng,  Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Năm nay, giá vải thiều ở mức ổn định từ 5.000 - 25.000 đ/kg, trong đó giá vải (loại đẹp) thu mua xuất khẩu vẫn đạt từ 15.000-25.000đ/kg.

Đặc biệt, có thời điểm đầu vụ vải sớm có giá lên đến 35.000-40.000đ/kg. Giá vải thiều mức 12.000-25.000 đ/kg. Hiện nay giá vải cuối vụ ổn định ở mức 5.000-20.000đ/kg.

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là mùa vải thiều kết thúc, tình hình xuất khẩu vải thiều vẫn diễn ra ổn định và giữ mức giá cao, không có hiện tượng ép giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, tỉnh Bắc Giang cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường, tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát. Cùng với đó, quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn.

Theo ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, để giúp vải thiều giữ giá và khẳng định chất lượng thương hiệu, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo uy tín và thương hiệu vải thiều; thu hoạch vải thiều khi đã đạt chất lượng, để không ảnh hưởng đến chất lượng quả vải. Đặc biệt, cần bảo quản vải thiều đúng cách, sử dụng bao bì nhãn mác đồng bộ. Thương nhân cần chủ động tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại.

Thùy Linh