Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình với mô hình chốt sơ cấp cứu tại chỗ

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 điểm sơ cấp cứu tại chỗ với 100 tình nguyện viên tham gia tại những địa bàn luôn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông tại địa phương này.

Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã cùng với Ban an toàn giao thông tỉnh ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền an toàn giao thông và sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại cộng đồng giai đoạn 2014- 2018, đồng thời chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các đơn vị trực thuộc trong tỉnh tăng cường phối hợp với Ban ATGT cùng cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng cộng đồng an toàn tại các địa phương.

1
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình khai mạc Hội nghị tập huấn lớp sơ cấp cứu tại xã Sen Thủy – huyện Lệ Thủy.

Hiện Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp xây dựng được 3 điểm sơ cấp cứu với số lượng gần 100 tình nguyện viên tại xã Quảng Đông - huyện Quảng Trạch, xã Võ Ninh - huyện Quảng Ninh, xã Sen Thủy - huyện Lệ Thủy. Đây là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông và người tham gia giao thông đông dễ xảy ra tai nạn, rủi ro cao.

Sau khi thành lập, các thành viên trong đội đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn và cấp chứng chỉ sơ cấp cứu để các thành viên có kỹ năng, kiến thức trong tổ chức các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu, trợ giúp nạn nhân kịp thời hiệu quả khi tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao tặng túi thuốc sơ cấp cứu cho đội tình nguyện để trang bị thêm cơ sở vật chất, dụng cụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các đội tình nguyện viên luôn kịp thời có mặt, tiến hành cấp cứu tại chỗ cho các trường hợp bị tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Hằng năm các chốt sơ cấp cứu đã giúp đỡ hàng chục trường hợp bị tai nạn giao thông sơ cấp cứu trước khi chuyển vào các cơ sở y tế.

2
Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại xã Sen Thủy.

Điển hình như chốt sơ cấp cứu ở Võ Ninh - Quảng Ninh, mỗi năm giúp đỡ khoảng trên 30 trường hợp bị tai nạn giao thông thông qua số điện thoại thường trực của đội. Cùng với những hoạt động cụ thể trên, các tình nguyện viên cũng đã tích cực tuyên truyền đến cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức về chấp hành ATGT và các kỹ năng, kiến thức sơ cấp cứu ban đầu thông qua ngày sơ cấp cứu thế giới và các hoạt động, sinh hoạt của đội.

Mô hình này của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, giúp giảm thiểu hậu quả, thiệt hại về tính mạng, về của cải do TNGT gây ra trên các địa bàn trọng điểm về an toàn giao thông. Với những việc làm ý nghĩa đó, mô hình sơ cấp cứu TNGT đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân địa phương và ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia hoạt động.

3
Thực hành việc sơ cấp cứu cho một nạn nhân bị tai nạn.

Bà Nguyễn Thị Minh – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết, việc thành lập mô hình sơ cấp cứu với 3 điểm nói trên là hoàn toàn thiết thực nhằm hạn chế mức tối thiểu thiệt hại về người trong những vụ tai nạn giao thông.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình chia sẻ, dù mô hình đang hoạt động tốt nhưng khó khăn lớn nhất của 3 điểm sơ cấp cứu này là thiếu điều kiện, cơ sở vật chất. “Điều kiện hiện vẫn còn khó khăn dù mô hình vẫn đang hoạt động tốt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ban An toàn giao thông các địa phương trong tỉnh để nhân rộng mô hình này”, bà Minh cho biết.

Nguyễn Minh – Tuấn Tài