Họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa chân dung 555 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Tạp Chí Nhân Đạo
Sáng lên nhân cách của một họa sĩ, có thể vượt rừng, vượt suối và vượt cả thời gian, họa sĩ Đặng Ái Việt đã trang bị chiếc xe Chaly cũ kỹ của bà thành một “chiến binh” để có thể “chinh chiến” cùng bà

Họa sĩ Đặng Ái Việt (SN1948, quê ở Tiền Giang), cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bà là một họa sĩ huyền thoại, người đã đi khắp đất nước để vẽ chân dung các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hành trình lên đường của bà chỉ là một chiếc xe Chaly cũ vượt hàng ngàn cây số đi từ Bắc đến Nam ghi dấu lại những giá trị lịch sử.

Anh 1
Họa sĩ Đặng Ái Việt ôm hôn Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Nỡ (phường An Bình, Ninh Kiều).

Theo dòng thời gian

Từng trải qua chiến tranh, họa sĩ Đặng Ái Việt đã cảm nhận hết tất cả sự mất mát, đau thương mà chiến tranh mang lại và tự hào là một trong số những người còn lại, được thụ hưởng vinh quang của đất nước. Chính vì lẽ đó, bà đã quyết tâm tiếp tục đem hết sức lực của mình để xây dựng Tổ Quốc. Do được đào tạo về hội họa, bà đã đeo đuổi nghề nhằm sáng tác các tác phẩm về nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh thần thánh vĩ đại của dân tộc và xây dựng cho mình một công trình sáng tác Mỹ thuật có tính chiến lược lâu dài. Với tấm lòng đầy nhiệt huyết ấy, Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Trung ương phía Nam đã cấp Công văn cho bà đi sáng tác độc lập, tự tổ chức liên hệ với chính quyền địa phương để bảo đảm về mặt pháp lý. Mặt khác, bà phải hoàn toàn tự túc về kinh phí và phương tiện đi lại để thực hiện chuyên môn hội họa của mình.

Bắt đầu cuộc hành trình từ ngày 19/2/2010 với hành trang chẳng có gì ngoài chiếc xe gắn máy Charly cũ kỹ và bộ đồ nghề vẽ, bà đã từ TP.HCM lần theo tuyến đường Quốc lộ 1,đi qua các tỉnh từ Đồng Nai ra đến Thủ đô Hà Nội để ký họa 230 chân dung các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của 17 tỉnh thành gồm: Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẳng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội.

Dừng lại ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/7/2010, bà đã tổ chức Triển lãm lần thứ Nhất về Ký họa chân dung Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nhà Bảo tàng Phụ nữ Trung ương nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2010 với 110 ký họa (trong số 230 ký họa của 17 tỉnh thành bà đã đi qua).

Ngày 02/8/2010, bà đi trở về phương Nam, đến TP. Đà Nẵng thì rẽ qua đường Hồ Chí Minh để đi qua các tỉnh Tây Nguyên. Tại đây, bà đã vẽ các Mẹ ở 6 tỉnh Tây Nguyên và Miền Đông Nam bộ gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và về đến TP.HCM. Ngày 19/8/2010, kết thúc Chiến dịch thứ nhất, bà đã vẽ được 248 mẹ.

Ngày 24/8/2010, bà bắt đầu vào Chiến dịch thứ hai. Trong chiến dịch này, bà đã vẽ các mẹ tại TP.HCM và các mẹ ở các tỉnh miền Tây (gồm 5 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre). Kết thúc 2 chiến dịch, tổng số chân dung mà bà đã vẽ được là 390 mẹ.

 Ngày 21/2/2011, trong Chiến dịch thứ 3, bà đi trở lại các tỉnh miền Tây gồm: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và đến các tỉnh miền Đông gồm: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng để tiếp tục ký họa các Mẹ. Sau đó, theo Quốc lộ 1, vượt ra phương Bắc lần 2 để đi các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc và các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng.

Kết thúc lộ trình, trong cả 3 Chiến dịch ký họa Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà đã đi xuyên qua 63 tỉnh thành cả nước (trừ tỉnh Lào Cai vì không còn Mẹ Việt Nam Anh hùng) và đã vẽ được 555 chân dung Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Không dừng lại ở chiến dịch thứ ba, hiện tại, bà vẫn tiếp tục đồng hành cùng chiếc Chaly cũ, rong ruổi đi khắp nơi để thực hiện việc tri ân các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sáng lên nhân cách của một họa sĩ

Để có thể vượt rừng, vượt suối và vượt cả thời gian, họa sĩ Đặng Ái Việt đã trang bị chiếc xe Chaly cũ kỹ của bà thành một “chiến binh” để có thể “chinh chiến” cùng bà. Bà gắn vào xe thêm mái che, thùng chở đồ vẽ, chăn mền, áo mưa, mỳ tôm, bình nước uống... Có chuyến đi kéo dài nửa năm trời đến những vùng sâu hiểm trở, phải trèo đèo lội suối, ngủ nhờ, ngủ trọ, mỳ gói qua ngày... nhưng chẳng có gì là gian nan đối với bà, bởi những năm tháng tham gia kháng chiến đã tôi luyện cho bà ý chí sắt đá.

Công việc gấp gáp, chạy đua cùng thời gian và tuổi già của các mẹ, nữ họa sĩ không lưu lại ở nhà mẹ nào quá một ngày, chỉ kịp ăn cùng mẹ bữa cơm đạm bạc, nằm cùng mẹ trong giấc ngủ trưa ngắn ngủi… Ngoài những bức ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, họa sĩ Đặng Ái Việt còn lưu lại cảm nhận của mình về các mẹ bằng những trang nhật ký giàu cảm xúc.

Họa sĩ Ái Vân chia sẻ: “Tôi nhớ tất cả các Mẹ mà tôi đã đến và vẽ. Hình ảnh các mẹ luôn trong trái tim và bộ não tôi”.

Công việc vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt không những tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đấng sinh thành của các anh hùng liệt sĩ, những người mẹ đã dâng hiến những người chồng, người con cho Tổ quốc, mà còn tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp các mạng vĩ đại của dân tộc; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.

Hành trình của Đặng Ái Việt không phải chỉ là sự ghi lại hình ảnh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên các làng quê nghèo Việt Nam, mà những bức chân dung của chị chính là biểu tượng về sức mạnh của một tượng đài sừng sững trước thời gian, của nỗi đau, sự hy sinh. Tôi lật giở từng bức chân dung chị vẽ và không cầm được nước mắt. Nét già nua đã thể hiện trên từng gương mặt các mẹ.

Hơn ai hết, Đặng Ái Việt cảm nhận được nỗi đau của các mẹ. Và, bà đã vẽ bằng cả tâm hồn mình, một tâm hồn biết cảm nhận nỗi đau, sự cô đơn và những mất mát của các mẹ trong quá khứ, trong hiện tại.

Một hành trình vất vả, khó khăn, chạy đua với thời gian cật lực, nhưng đủ để làm sáng lên nhân cách một người họa sĩ dám dấn thân. Toàn bộ chân dung các mẹ, bà không bao giờ bán cho ai, mà hiến tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Với đóng góp to lớn đó, bà đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt kỷ lục gia Người vẽ nhiều tranh về mẹ Việt Nam Anh hùng nhất.