Hình thành môi trường di cư 'có lợi cho tất cả'

Nguyễn Thị Hải Hà
Tình trạng di cư trái phép, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà “cái giá đắt nhất” chính là mạng sống.
Chú thích ảnh  Người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh, ngày 15/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng châu Âu đã triển khai nhiều chiến dịch cứu hộ người di cư trên biển. Đơn cử như chiến dịch cứu hộ ở eo biển Manche và trên không quy mô lớn của Anh sau khi ít nhất 4 người thiệt mạng do chiếc thuyền nhỏ chở họ bị lật úp trong vùng nước đóng băng ở eo biển Manche sáng 14/12, khoảng 40 người đã được cứu. Cuối tháng trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cũng giải cứu gần 500 người di cư trên một thuyền đánh cá ngoài khơi ngoài khơi đảo Crete. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính đến ngày 24/10/2022, ít nhất 2.836 đã người chết và mất tích trên tuyến đường di cư Trung Địa Trung Hải kể từ năm 2021, tăng so với con số 2.262 trường hợp tử vong được ghi nhận trong giai đoạn 2019 - 2020. Điển hình là vụ gần 100 người thiệt mạng trong thảm kịch lật thuyền trên biển Địa Trung Hải hồi đầu tháng 4. Thảm kịch này xảy ra khi số người vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, con số này đã lên đến 275.500 người, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Chỉ 2 tháng sau, một thảm kịch khác đối với người di cư lại gây rúng động cả thế giới khi 53 thi thể được phát hiện trong thùng xe đầu kéo bị bỏ lại ở ngoại ô thành phố San Antonio, bang Texas, Mỹ. Các nạn nhâu sau đó được xác nhận là người di cư, chủ yếu là công dân Mexico, Guatemala và Honduras, được các đường dây buôn người đưa trái phép vào Mỹ.

Tại khu vực Đông Nam Á, hàng nghìn lao động di cư đã bị các nhóm buôn người lừa gạt, dụ dỗ đi tìm “việc nhẹ lương cao” ở một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Myanmar... rồi bị đưa sang làm việc bất hợp pháp, bị bóc lột, hành hạ tại các sòng bạc... Thiếu tướng Siriwish Chantechasitkul ở Cục Điều tra Đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan cho biết trong 8 tháng năm nay, nhà chức trách đã xác nhận trên 1.000 người vượt biên trái phép và trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người, song con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Tính từ ngày 1/1 đến 20/8, Campuchia đã giải cứu tổng cộng 865 người nước ngoài trong 87 vụ có dấu hiệu mua bán người.

Theo Báo cáo năm 2022 của IOM, số lượng người di cư quốc tế đã tăng nhanh trong 5 thập niên qua. Những yếu tố như suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, thất nghiệp, biến đổi khí hậu… đã thúc đẩy hàng vạn người tìm đường rời bỏ quê hương. Hiện số người di cư là trên 281 triệu người, chiếm 3,6% dân số thế giới. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ là trên 350 triệu người.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng người lao động di cư ra nước ngoài đã tăng từ 164 triệu lên 169 triệu người, chiếm 5% lực lượng lao động toàn cầu. Đại dịch hoành hành gần 3 năm qua đang khiến số lao động di cư có xu hướng gia tăng. Hiện tỷ lệ lao động di cư tại châu Âu, Trung Á và châu Mỹ chiếm gần 64%.

Như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, hoạt động di cư hợp pháp cho phép hàng triệu người tìm kiếm những cơ hội mới, theo đó tạo thuận lợi cho cả các cộng đồng nơi họ xuất phát cũng như cộng đồng mà họ chọn làm điểm đến. Ví dụ trong lĩnh vực lao động di cử, tác động tích cực đối với nơi đi là giải quyết được các vấn đề lao động dư thừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đóng góp phát triển quê hương, tạo nguồn lao động có chất lượng khi họ trở về... Đối với nơi đến, lao động di cư sẽ bù đắp được sự thiết hụt lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển dịch vụ, bởi họ đảm nhận những công việc quan trọng trong các lĩnh vực trọng yếu như chăm sóc y tế, giao thông, dịch vụ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm… Tuy nhiên, ông Antonio Guterres cũng cảnh báo rằng việc di cư trái phép, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, mà “cái giá đắt nhất” chính là mạng sống. Bên cạnh đó, nếu quản lý kém, việc di cư có thể làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội và giữa các cộng đồng, khiến mọi người bị bóc lột, lạm dụng...

Chú thích ảnh  Người di cư tới bờ biển tại Dungeness, Anh, sau khi được giải cứu khi vượt eo biển Manche, ngày 15/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách đây 4 năm, ngày 19/12/2018, Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn. Như đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn "sự hỗn loạn và nỗi thống khổ” của những người di cư bất hợp pháp.

Tại Việt Nam, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm và 60 nhiệm vụ cụ thể, dựa trên các nguyên tắc định hướng và tầm nhìn của Thỏa thuận GCM. Ngày 9/12 vừa qua, tại Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM tổ chức ở Đà Nẵng, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện IOM tại Việt Nam, đánh giá cao cam kết, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua, cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị rà soát Thỏa thuận GCM khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất (tại Mỹ từ 17 - 20/5/2022).

Nhân Ngày Quốc tế người di cư 18/12 năm nay, LHQ chỉ rõ những biến động nhanh chóng trong thời gian qua đặt ra những thách thức mới, gây tác động bất lợi tới di cư quốc tế. Quản lý hiệu quả tình hình di cư, bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, trật tự cũng như tối đa hóa những mặt tích cực mà di cư đem lại cho các quốc gia và chính bản thân người di cư, đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Việc thông qua Thỏa thuận GCM cách đây 4 năm được coi là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

Trong bối cảnh hiện nay, LHQ kêu gọi các nước duy trì tình thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm để triển khai thực chất Thỏa thuận GCM nhằm hình thành môi trường di cư "có lợi cho tất cả".