Hiện tượng công chức xin nghỉ việc - nhận diện nguyên nhân!

Tạp Chí Nhân Đạo
Những năm gần đây, với sự chuyển động của đời sống kinh tế xã hội theo hướng thoáng mở, số cán bộ công chức bỏ việc ngày càng đông, mà phần lớn diễn ra ở những nơi chất xám không được coi trọng. Mức lương thấp, điều kiện làm việc kém thân thiện, cơ hội thăng tiến khó khăn... là những lí do khiến không ít cán bộ công chức “dứt áo ra đi”.

Theo 1 báo cáo sơ bộ từ ngành chức năng, chỉ có gần 10% thủ khoa sau khi tốt nghiệp đại học vào làm việc nhà nước. Đây là một con số cũng đáng suy ngẫm và không thể xem là chuyện “không đáng lo ngại” vì khi các lãnh đạo hết nhiệm kỳ, đội ngũ  thay thế sẽ hiếm hoi bởi 1 lực lượng không nhỏ các anh tài trẻ tuổi, giàu chất xám đã đi tìm một “miền đất hứa” khác cho mình.

Nhân viên trì trệ…

Không ít tân thủ khoa đã thẳng thắn thừa nhận, dù được rộng cửa chào đón nhưng làm nhà nước lương thấp, điều kiện làm việc kém thân thiện và cơ hội thăng tiến khá khó khăn nếu không có "ô dù” và người “chống lưng”. Một số được tuyển đã rút lui sau vài năm cống hiến.

hien-tuong-cong-chuc-xin-nghi-viec-nhan-dien-nguyen-nhan
Minh họa.

Một bạn trẻ ở Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự: “Em tốt nghiệp với bằng kỹ sư, cũng không giỏi chuyên môn đến mức suất chúng, nhưng cũng không phải là “loại chạy điểm, đi thày”. Cũng nhờ gia đình quen biết thân cận, em được vào làm trong một tập đoàn lớn của nhà nước, với mức lương sinh viên ra trường phải mơ ước. Mọi thứ tưởng như trôi qua êm đềm và tốt đẹp, nhưng chỉ ngay sau tuần đầu tiên làm ở đây, em đã không thể tưởng tượng nổi. Công việc của phòng chỉ cần 5 người là làm hết nhưng phòng có đến 17 người. Em biết phận mình lính mới vẫn quần quật làm việc, còn lại thì các thanh niên khác sức dài vai rộng lại ngồi ì một chỗ, ngày làm 2-3 việc vặt. Có việc thì đối phó qua loa đủ đường. Cũng vì đồng lương tạm thời, và em cũng cần tiền để tiếp tục đi học lên nữa, chứ quả thật em phát sợ cái cảnh làm nhà nước, rồi cũng ko hiểu từ lúc nào em cũng nhiễm tính trì trệ, mất hết nhiệt huyết của tuổi trẻ”.

Theo thừa nhận của không ít cựu thủ khoa, khi mới ra trường với số điểm "siêu khủng" và tấm bằng giỏi, nhiều người bước chân vào con đường công chức với đầy kỳ vọng. Ai cũng muốn phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến và tham gia quản lý xã hội. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 2 - 5 năm, nhiều người chán nản và chuyển sang "ì". Họ nhận thấy "không làm cũng không sao, thậm chí làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, cuối năm xếp loại ai cũng như ai" nên an phận, chấp nhận vui vẻ hoạt cảnh "đến hẹn lại lên", tức là cứ đến niên hạn là lên lương, lên ngạch.

Hiện tượng quan liêu, cửa quyền…

"Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" là "căn bệnh" nan y của những công chức trình độ có hạn, lười nhác, bấu víu, nói nhiều hơn làm, đã tạo ra một sức ì lớn trong bộ máy, cản trở những công chức có tài năng, có lý tưởng phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển chung. Bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm khả năng sáng tạo, hiệu suất làm việc thấp, gây ra tình trạng "lãng phí chất xám", "chảy máu chất xám".

Cộng thêm vào đó là sự quan liêu, hách dịch của một số quan chức lãnh đạo nhà nước chỉ biết vun vén lợi ích cá nhân, nhận tiền hối lộ, quà cáp “vô tội vạ” dù biết nhân viên cuối tháng chẳng đủ lương, đùn đẩy trách nhiệm, xa rời tập thể, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật. Những “con sâu” này  đã và đang dần đánh mất niềm tin của nhân dân về hình ảnh dành cho người cán bộ, công chức chân chính, phấn đấu vì sự nghiệp cao cả.

Nguyễn Xuân Hùng (Thái Bình), một kế toán tổng hợp vốn tính tình thẳng thắn tâm sự: “Vừa rồi,  trong công việc em phạm phải một sơ xót là đánh nhầm số liệu báo cáo, và sếp quy kết tội em nặng nề. Em biết đây chỉ là cái cớ để sếp gạt bỏ một người biết quá nhiều sai phạm của ông ấy”.

Một kế toán viên dấu tên tại một cơ quan khác bức xúc trải lòng: “Lắm khi tôi muốn phát điên vì những thủ tục thanh toán vô cùng máy móc và ấu trĩ – mà kế toán trưởng cơ quan luôn nói đó là “yêu cầu của Kho bạc Nhà nước” hay “yêu cầu của cấp trên”… Những chứng từ làm khống, chữ ký giả… tất cả mọi người đều biết với nhau, vì nếu không có những thứ đó thì không thể nào hoàn thiện đủ giấy tờ để thanh toán theo quy định. Khi làm những thứ đó, tôi luôn có cảm giác mình là đứa ăn cắp - ăn cắp tiền thuế của nhà nước. Nhiều khi, những quy định của cơ quan chức năng khi về đến cơ sở, được “diễn dịch” như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, thái độ của người có quyền hành”. Có thể nói, những căn bệnh này đã và đang phá hoại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm mục ruỗng tinh thần công vụ của cá nhân cán bộ, công chức.

Và “chuyện nhạy cảm”...

Dù chưa bao giờ thoát khỏi diện “xuất sắc” nhưng vẫn phải chứng kiến những kẻ chen ngang mỗi khi thay đổi hoặc bố trí nhân sự, chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên hành chính, bước ra khỏi cơ quan Nhà nước, thoát khỏi những thời khắc "mê hồn trận" đeo đẳng suốt nhiều chục năm qua... Chị trò chuyện: “Ở doanh nghiệp bên ngoài, lạ lắm, ngày đầu Xuân tôi đến công ty còn được nhiều sếp mừng tuổi, lên đến cả triệu đồng dù thành tích chưa đến mức “xuất sắc” như hồi ở cơ quan nhà nước.  Nghĩ lại thì đúng là cái không khí tập thể  "nào ta đi sếp” ngày giáp Tết đã hằn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của đa số cán bộ công chức. Nhưng quả thật, cứ thử “lỡ hẹn” với sếp 1 lần xem… kết quả cuối kỳ biết ngay…”

Có một sự đối lập ở đội ngũ "biên chế" là: công nhân, viên chức nhà nước công tác ở các đơn vị sản xuất,  các cơ sở sự nghiệp chỉ mong đủ thời gian để nghỉ hưu, còn nhiều công chức nhà nước công tác ở cơ quan hành chính đặc biệt là các lãnh đạo thì không muốn về nghỉ hưu, viện đủ lý do để kéo dài... 

Một số công chức nhà nước lương thấp nhưng họ vẫn sống giàu có. Tiền đâu ra? Một số ý kiến cho rằng có thể “chân ngoài dài hơn chân trong” hoặc hưởng lợi từ quà cáp biếu xén…

“Chồng tôi 30 năm làm lãnh đạo liêm chính của một phòng ban tại một cơ quan nhà nước, lương tháng 6 - 7 triệu đồng, nuôi 1 đứa con đang đi học, vẫn phải ở tập thể 18m2 của ông bà để lại, không biết đến bao giờ mua được "nhà giá rẻ" dù chỉ là vài trăm triệu đồng ở Hà Nội”, vợ một công chức nhà nước trăn trở.

Giữ người tài, cách nào?!

Yếu tố thu nhập là rất quan trọng bởi bài toán cơ bản của con người là đi tìm điều kiện sống thoải mái, mà chế độ tiền lương công chức như hiện nay quả thật không đủ sống. Song, cần nhìn nhận, sự ra đi của những người công chức “có tâm” không chỉ bởi mức lương thiếu thốn, không đầy đủ mà quan trọng hơn là họ rút lui bởi  không  được làm việc trong một môi trường lành mạnh, có sự phân chia công việc bình đẳng, mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện. Do đó, chỉ cải thiện mức lương thôi sẽ không đầy đủ, mà cần phải nhìn rộng hơn về bối cảnh của “sự ra đi” liên quan đến nhu cầu cá nhân, năng lực, sự quy hoạch và đề bạt vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể của “chủ nghĩa lý lịch”.

Chọn người vào công chức Nhà nước cần phải thay đổi phương pháp và tiêu chí, không thể chỉ dựa vào bằng cấp, dựa vào những quan hệ cá nhân, độ “dày mỏng” của phong bì mà phải bằng năng lực thực sự.

Xây dựng môi trường làm việc trong lành, cởi mở trong các cơ quan Nhà nước, cần xây dựng được thước đo năng lực của cán bộ công chức để làm cơ sở đánh giá và cất nhắc, đề bạt. Và nếu tình trạng này kéo dài, không được nhìn nhận một cách đúng đắn và có biện pháp kịp thời thì chắc có lẽ, chỉ còn mấy vị "con ông cháu cha" muốn làm công sở mà thôi.