Hậu quả khôn lường từ việc lạm dụng thuốc corticoid

Lã Thị Thúy hằng
Lạm dụng thuốc có chứa corticoid ngày càng trở nên phổ biến. Đây là loại thuốc thường được người dân tìm mua để chữa viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, đau xương khớp, hen, lupus…

Suy tuyến thượng thận do liên tục dùng thuốc xịt mũi

Thấy con trai bị viêm mũi, ngạt mũi, dùng thuốc xịt tai mũi họng lâu ngày không đỡ, chị Nguyễn Thị Hoan (Quảng Ninh) vội đưa con tên N.H.T, 10 tuổi đến BV Bãi Cháy khám.

Cho con đi khám tai mũi họng nhưng chị vô cùng bất ngờ khi bác sĩ thông tin, bé bị suy tuyến thượng thận (gây rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe).

a6-1662517647.jpg

Dấu hiệu rậm lông bất thường ở bệnh nhân suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc có chứa corticoid.

Nghe bác sĩ giải thích, chị Hoan không ngờ thủ phạm gây bệnh cho con chính là loại thuốc xịt mũi có chứa thành phần corticoid mà chị cho con xịt liên tục trong suốt 1 năm qua.

Theo BS. Nguyễn Thị Sơn, Phó trưởng Khoa Nhi, BV Bãi Cháy, trường hợp bé T. đến khám với dấu hiệu rất đặc trưng của trẻ suy tuyến thượng thận do corticoid: khuôn mặt béo tròn, chân tay rậm lông. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng với chỉ số cortisol thấp 3,43 nmol/l, bé T. được chỉ định nhập viện điều trị kịp thời.

Bé T. không phải trường hợp hiếm gặp bị suy tuyến thượng thận cấp do cha mẹ tự ý cho con sử dụng thuốc có chứa corticoid kéo dài khi điều trị viêm mũi dị ứng, hen phế quản...

Cũng với dấu hiệu tăng cân, béo tròn, ban đầu bà N.T.P (55 tuổi, ở Hà Nội) chỉ nghĩ mình hợp thuốc đông y do bạn bè giới thiệu, giảm được các cơn đau xương khớp, ăn ngon, ngủ tốt.

Thế nhưng sau thời gian dài, khuôn mặt, vùng cổ gáy cứ “béo đầy”, xuất hiện thêm ria mép và rậm lông chân, lông tay, bà P. tìm đến bệnh viện. Lúc này bà mới biết mình bị suy tuyến thượng thận thứ phát do ảnh hưởng của corticoid có trong loại thuốc đông y giảm đau xương khớp mà thường ngày sử dụng.

PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân chữa bệnh xương khớp nhưng lại mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc đông y trộn lẫn corticoid.

Hiện nay, nhiều người khi bị bệnh xương khớp đã lựa chọn đông y điều trị nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ và chữa bệnh theo kiểu “rỉ tai”.

Hơn nữa người bệnh thường có tâm lý “hết đau nghĩa là khỏi bệnh” nên khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm đông y giúp giảm đau nhanh (có chứa corticoid) để chữa trị.

Nhận diện thuốc có chứa corticoid để tránh lạm dụng

BS. Sơn cho biết, corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch.

Nếu corticoid được sử dụng đúng chỉ định, liều lượng sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý nguy hiểm như: Hen phế quản, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp... Tuy nhiên, việc dùng corticoid liều cao và kéo dài dẫn đến nguy cơ suy tuyến thượng thận.

“Để tránh tình trạng lạm dụng corticoid và tránh nguy cơ suy tuyến thượng thận, người bệnh hoặc cha mẹ bệnh nhi cần hiểu về thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không. Có nhiều tên thuốc khác nhau chứa corticoid như: Medron, Menison, Hydrocortison, Kacor, Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone… Có thể dựa vào kí hiệu tên thuốc có đuôi “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”) để nhận diện nhóm thuốc có chứa corticoid.

Đặc biệt lưu ý, khi người bệnh mắc các bệnh lý như: Dị ứng, xương khớp, tai mũi họng… cần đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, kê đơn và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh lưu ý, hiện tượng này thường gặp nhất là ở những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như viêm khớp mạn tính, gout… do việc dùng thuốc tây y điều trị không dứt điểm và dễ tái phát, nên nhiều người có tâm lý chán nản và tìm đến thuốc đông y với niềm tin thuốc ít tác dụng phụ.

Lợi dụng tâm lý này, nhiều cơ sở sản xuất đã trộn corticoid vào thuốc đông dược (viên hoàn tán, thuốc tễ, cao dán, thuốc sắc sẵn…) để làm tăng tác dụng điều trị, đánh lừa người bệnh về hiệu quả nhanh chóng của thuốc. Thấy thuốc có hiệu quả nhanh nên bệnh nhân tiếp tục sử dụng.

Sau một thời gian sử dụng, không ít trường hợp thấy hiện tượng béo mặt, teo cơ, rậm lông, tăng huyết áp… Khi đi khám, họ mới biết bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc đông y trộn corticoid không kiểm soát được hàm lượng trong thời gian dài.

T.Hằng