Hải Phòng: Ngư dân khốn khổ với dự án khai thác ven biển có nhiều ‘vấn đề’ (!)

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Kém năng lực trong khâu tổ chức khai thác khi được cấp phép mỏ, bên cạnh đó còn có dấu hiệu sang nhượng mỏ một cách trá hình, để rồi trong nhiều năm, hàng trăm ngư dân phải chịu khổ bởi những “đối tác” của Cty CP Thương mại và Đầu tư Tân Vũ (Cty Tân Vũ).

Vào ngày 29/12/2010, UBND TP Hải Phòng đã cấp Giấy phép số 2274/GP-UBND cho Cty CP Thương mại và Đầu tư Tân Vũ được khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp khu vực Gồ Nam, cửa sông Lạch Tray. Tổng diện tích khu vực khai thác là 96ha với trữ lượng hơn 3,9 triệu m3, thời hạn khai thác là 18,5 năm kể từ ngày được cấp phép.

“Chưa kể đến việc một tờ GP khai thác khoáng sản được ký 1 lần 18,5 năm (hơn 3 nhiệm kỳ lãnh đạo) có đúng quy định hay chưa, không những thế, trong vòng 10 năm khi được cấp phép, phía Cty Tân Vũ đã làm được những gì, đóng góp được gì cho địa phương hay chỉ là những lần xung đột gây mất ANTT?” – một ngư dân bức xúc chia sẻ.

ngao1
Ngao giống là cả gia tài với bà con ngư dân tại Tràng Cát hiện nay

Theo như Giấy phép số 2274/GP-UBND, thì mục tiêu khai thác ban đầu là để làm vật liệu san lấp khu vực Gồ Nam, cửa sông Lạch Tray (thực hiện dự án đường 5B). Có lẽ đường Cao tốc 5B có vẻ hơi “quá sức” với Cty Tân Vũ nên trong 5 năm đầu trước khi hoàn thành Cao tốc 5B (Khánh thành 2015) phía đơn vị này vẫn không hề có động thái nào để triển khai…

Có lẽ để “cứu cánh” cho Cty Tân Vũ, ngày 2/7/2014, UBND TP Hải Phòng phải tiếp tục cấp Giấy phép sửa đổi bổ sung số 1467/GP-UBND điều chỉnh mục tiêu cung cấp cát làm vật liệu san lấp.

Theo đó, trong 7 năm những yếu kém, thể hiện là một đơn vị thiếu năng lực đã được lộ rõ. Vào ngày 11/5/2017, HĐND TP Hải Phòng ban hành Thông báo số 49/TB-HĐND thông báo kết luận của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND thành phố đối với Cty Tân Vũ về tình hình sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản trong 2 năm 2015 và 2016.

ngao2
Mồ hôi, nước mắt đổ xuống biển chỉ mong ngày thu hoạch, nhưng mỗi lần thả phao là hàng tấn ngao mất trắng

Tại kết luận nêu rõ, Cty Tân Vũ chưa huy động được các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện trang thiết bị kỹ thuật khai thác để có đủ năng lực khai thác, thiếu năng lực cạnh tranh, giúp có hợp đồng san lấp, sản lượng khai thác hàng năm còn rất thấp, sản lượng khai thác không đúng giấy phép, do đó giá thành khai thác cao, chưa phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cty Tân Vũ được cấp phép từ năm 2010 vậy mà đến khi thanh tra vẫn nợ Ngân sách Nhà nước trên 2,5 tỷ (chủ yếu là thuế tài nguyên) và nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 1,7 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa, theo kết luận cho biết, thời điểm ngày 11/5/2017, phía Cty Tân Vũ vẫn chưa thực hiện quan trắc môi trường, báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo quy định…

ngao3
Bất chấp quy định, Cty Tân Vũ “cõng” nhiều doanh nghiệp khác để làm loạn ngư trường

Không dừng lại ở đó, việc Cty Tấn Vũ hành hạ ngư dân chưa đủ, gần đây, đơn vị này còn có dấu hiệu chuyển nhượng dự án thông qua hình thức "bán quyền khai thác" mỏ cát cho nhiều DN khác, vi phạm nghiêm trọng quy định ghi trong các giấy phép đã được cấp. Việc làm thiếu nhân văn, thiếu tình người này đã kéo theo nhiều đơn vị khác đã mua quyền khai thác tiếp tục tiến ra biển làm khổ ngư dân.

Cụ thể, ngày 26/10/2018, Cty Tân Vũ đã ký Hợp đồng kinh tế số 26/10/2018/HĐKT/TV-PS và Phụ lục hợp đồng kinh tế số 17/6/2019/PL-HĐKT với Cty CP Xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn.

Tại hợp đồng này, Cty Tân Vũ cho phép Cty Phong Sơn được quyền khai thác cát đen dùng làm vật liệu san lấp với khối lượng được quyền khai thác tạm tính trước khi khảo sát thực tế là 2 triệu mét khối.

ngao4
Xin mỏ để cho thuê mặt nước liệu có đúng mục đích?

Từ hợp đồng “bán quyền khai thác" này, Cty Phong Sơn lại tiếp tục ký hợp đồng mua bán khai thác tài nguyên cát với một đơn vị khác. Theo hợp đồng số 19.11/HĐKTTN/2020 giữa Cty Phong Sơn và Cty CP Thương mại, Khai thác khoáng sản và Xây dựng Hải Nam Hà Nội, phía Cty Hải Nam được phép khai thác cát đen làm vật liệu san lấp trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Cty Tân Vũ và Cty Phong Sơn.

Việc "bán quyền khai thác" dự án chưa dừng tại đây, khi mà ngày 25/12/2020, Cty Tân Vũ tiếp tục ký Hợp đồng kinh tế số 25.12/2020/HĐKT/TV-DT với Cty CP Đoàn Dương Tiến.

ngao5
Kết luận của Hội đồng nhân dân chỉ ra nhiều sai phạm

Việc làm này cho thấy, mặc dù đã bị cảnh cảnh cáo về sự yếu kém của mình, Cty Tân Vũ còn bất tuân theo những quy định mà UBND TP Hải Phòng đã nêu rõ. Tại giấy phép khai thác và giấy phép sửa đổi bổ sung, UBND TP Hải Phòng đã nêu rõ: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án cho DN khác dưới mọi hình thức”.

Trước đó, vào năm 2012, doanh nghiệp này đã ký kết một Hợp đồng đánh bắt hải sản với ngư dân tại khu vực được cấp mỏ. Xin cấp mỏ khai thác, thế nhưng từ những năm 2012, phía đơn vị này đã từng phải cho thuê mặt nước để người dân khai thác hải sản thì đã đủ hiểu năng lực của doanh nghiệp tới cỡ nào.

Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND quận Hải An và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tuấn Anh – Nguyên Bá