Hà Nội: Tổ chức giao thông sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao

Nguyễn Hồng Hạnh
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có thông báo về việc phân luồng tổ chức giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ phục vụ thông xe kỹ thuật tuyến đường bộ trên cao thuộc dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, bắt đầu thực hiện ngay sau lễ thông xe sáng ngày 11/1.

Chú thích ảnh Dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Theo đó, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được đi đường vành đai 2 trên cao, bao gồm máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật.

Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi đường vành đai 2 trên cao bao gồm các phương tiện cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Việc lưu hành các loại xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng trên đường trên cao thực hiện theo Giấy phép lưu hành xe được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.

Theo thiết kế, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, giải an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m.

Giao thông trên đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng). Các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Cầu Vĩnh Tuy; không được quay đầu xe trên đường trên cao, chỉ dẫn xe chạy trên đường trên cao thông qua hệ thống sơn phân làn và hệ thống biển báo.

Chú thích ảnh Toàn cảnh nút giao thông cao tầng nhất của Hà Nội, nơi vành đai 2 đi qua ngã tư Giải Phóng-Trường Chinh-Đại La. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h.

Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông, Luật Giao thông đường bộ,… tại các nút giao, điểm quay đầu, toàn tuyến đường và các tuyến phố giao cắt với đường vành đai 2 mở rộng (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và ngược lại).

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực cầu Yên Hòa – đường Láng (quận Đống Đa) bắt đầu thực hiện từ ngày 13/1/2023.

Theo đó, cấm các phương tiện rẽ trái và quay đầu cả 2 chiều trên đường Láng tại khu vực nút giao đường Láng với cầu Yên Hoà. Các phương tiện trên đường Láng (hướng Cầu Giấy đi Trần Duy Hưng) đi thẳng qua nút giao Yên Hoà và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng (cách nút giao khoảng 90m).

Các phương tiện trên đường Láng (hướng Trần Duy Hưng đi Cầu Giấy) đi thẳng qua nút giao Yên Hoà và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng (gầm cầu vượt Cầu Giấy cách nút giao khoảng 400m).

Sở Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị chức năng hoàn thiện hệ thống hạ tầng tổ chức giao thông (bổ sung biển báo, vạch sơn dẫn hướng, đèn tín hiệu giao thông...) theo đúng nội dung thông báo hướng dẫn phân luồng giao thông; theo dõi quá trình tổ chức giao thông để đánh giá và đề xuất điều chỉnh (pha đèn tín hiệu giao thông, hệ thống vạch sơn, biển báo...) cho phù hợp (nếu cần).

Thanh tra giao thông vận tải bố trí lực lượng phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố, UBND - Công an quận Đống Đa và chính quyền phường sở tại để tổ chức, hướng dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông trong thời gian tổ chức giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên các tuyến đường tổ chức giao thông.

Chú thích ảnh

Đường Vành đai 2 trên cao, đoạn qua nút giao ngã Tư Vọng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trước đó, sáng 11/1, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.997 tỷ đồng. Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Dự án nối liền 3 quận trung tâm gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018. Trong thời gian thi công, dự án bị gián đoạn nhiều lần do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ nhân dân ngay trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.