Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc tiếp tục tăng

Nguyễn Diệp Linh
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 9.747 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 12 ca tử vong.

Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

vna-potal-ha-noi-ghi-nhan-gan-10000-ca-mac-sot-xuat-huyet-1667610588.png
 

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng nổ, nhiều quận huyện, sở ngành trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát dịch.

Tại quận Hai Bà Trưng, tính đến ngày 30/10, toàn địa bàn ghi nhận 221 ca mắc sốt xuất huyết, 31 ổ dịch và chưa có trường hợp tử vong, số liệu giảm so với cùng kỳ 2021 (238 ca/65 ổ dịch). Quận Hai Bà Trưng đứng thứ 17/30 quận huyện về số ca mắc. Hiện trên địa bàn quận còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại phường Bách Khoa, Phố Huế, Vĩnh Tuy.

Còn quận Tây Hồ ghi nhận 218 ca mắc sốt xuất huyết với 25 ổ dịch, bệnh nhân phân bố tại 8/8 phường. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế quận đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết; chủ động tham mưu, báo cáo với UBND quận, CDC Hà Nội về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng chống; chủ động giám sát và nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh…

sxth-1667610643.pngHà Nội ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, dự báo dịch vẫn chưa đạt đỉnh.

Trung tâm Y tế quận Tây Hồ đã chỉ đạo các khoa/phòng, trạm y tế các phường đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn theo dõi bệnh nhân, giám sát xử lý ổ dịch và thực hiện có hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi phòng bệnh. Hiện nay toàn bộ 8/8 phường đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời cập nhật văn bản hướng dẫn, linh hoạt áp dụng với tình hình thực tiễn của từng trường từ tuyên truyền đến từng giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Theo đại diện Sở Xây dựng, Sở thường xuyên phối hợp với Sở Y tế kiểm tra các công trình xây dựng, nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công, công nhân đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trong công tác tuyên truyền, Sở Thông tin và Tuyền thông đã ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan báo chí và các quận, huyện, thị xã tuyên truyền về các nội dung của phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm phòng vaccine và các nội dung của Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND TP về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn TP Hà Nội,…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng Nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh. Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng các biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành,… để giải quyết dứt điểm ổ dịch.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan của sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu, các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và nhân dân cùng tham gia.

Đồng thời các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. Tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân, từng gia đình về phòng chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực phải thường xuyên tổ chức giao ban chuyên môn với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, giám sát chặt chẽ tình hình, tham mưu kịp thời, sớm có Chỉ thị của TP tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Tiếp tục tập huấn công tác điều trị, tổ chức tốt khám chữa bệnh, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất số ca tử vong…

Vũ Hạnh (T/h)