Gia Lai: Hội Chữ thập đỏ triển khai lớp tập huấn trang bị kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích

Nguyễn Diệp Linh
Nhằm hạn chế thiệt hại do tai nạn thương tích, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều lớp tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa tai nạn.

Theo ông Nguyễn Phấn Tiến-Chủ tịch Hội CTĐ huyện Chư Sê, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 5 trường hợp tử vong do đuối nước và 1 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Trước tình hình đó, Hội CTĐ huyện phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện mở 2 lớp tập huấn về công tác sơ cấp cứu ban đầu cho 120 cán bộ, hội viên Hội CTĐ.

Các lớp tập huấn đã trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu nhằm giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn thương tích duy trì sự sống, giảm thiểu các trường hợp thương vong.

Chị Trần Thị Hà-nhân viên y tế Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) thực hành kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: M.K Chị Trần Thị Hà-nhân viên y tế Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) thực hành kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: M.K

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh-Chủ tịch Hội CTĐ xã Hbông-cho biết: Tại lớp tập huấn, chị được tiếp thu kiến thức và được hướng dẫn một số kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: nguyên tắc cơ bản trong sơ cấp cứu tai nạn thương tích, kỹ năng di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cấp cứu nạn nhân bị dị vật đường thở, nạn nhân bị bất tỉnh, ngừng thở; sơ cấp cứu nạn nhân bị bỏng, điện giật, đuối nước; sơ cấp cứu vết thương phần mềm; băng bó vết thương; kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn.

“Từ đầu năm đến nay, toàn xã xảy ra 3 trường hợp tai nạn thương tích. Lớp tập huấn này giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng hỗ trợ, sơ cấp cứu ban đầu cho người dân không may bị nạn, góp phần giảm thiểu hậu quả do tai nạn thương tích”-chị Hạnh cho hay.

Sơ cấp cứu là hành động can thiệp, trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn do thương tích, hoặc do bệnh lý cấp tính ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhằm cứu sống nạn nhân, ngăn không cho tình trạng sức khỏe xấu đi, hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương. Theo đó, người tham gia sơ cấp cứu cần phải có những kiến thức và kỹ năng nhất định, bảo đảm hoạt động sơ cấp cứu đạt hiệu quả, an toàn cho người bị nạn, cho chính người sơ cấp cứu và những người có mặt tại hiện trường trong khả năng có thể.

Còn chị Lê Thị Hằng-Chủ tịch Hội CTĐ Trường THPT Trần Cao Vân (xã Ia Hlốp) thì cho rằng, bản thân chị biết thêm được nhiều kiến thức và được trải nghiệm thực hành sơ cấp cứu đúng cách như: kỹ năng di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cấp cứu nạn nhân bị dị vật đường thở, nạn nhân bị bất tỉnh, ngừng thở…

“Tôi sẽ truyền đạt những kỹ năng này cho bí thư chi đoàn các lớp. Đồng thời, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của trường, lớp cũng như lồng ghép trong các buổi ngoại khóa để lan tỏa mạnh mẽ nhất những kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu trong cộng đồng”-chị Hằng nói.

Ông Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh-thông tin: Nếu không được xử lý kịp thời thì tai nạn thương tích sẽ để lại những di chứng suốt đời hoặc tử vong. Việc sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết bởi trong thời gian chờ đợi bác sĩ hay lực lượng chuyên môn đến có thể khiến nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm hoặc không thể cứu chữa được cho dù được đưa đến bệnh viện.

“Việc triển khai thường xuyên các lớp tập huấn sơ cấp cứu tại cộng đồng của Hội CTĐ huyện Chư Sê đã góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho cán bộ, hội viên, cộng tác viên. Qua đó, giúp nâng cao năng lực phòng-chống và giảm thiểu rủi ro do tai nạn thương tích trong cuộc sống. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân và các cấp, ngành về ý nghĩa của việc trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng”-ông Nam nhấn mạnh.

MAI KA