Gắn kết tình quân dân

Nguyễn Diệp Linh
Đẩy mạnh phong trào thi đua 'Dân vận khéo', xây dựng 'Đơn vị dân vận tốt', lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi luôn hướng về cơ sở, tăng cường gắn kết tình quân dân, củng cố niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 4 (tháng 4/2022). (Ảnh HỮU ĐỒNG)Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 4 (tháng 4/2022). (Ảnh HỮU ĐỒNG)

Cuối tháng 12/2022 vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Trường đại học Phạm Văn Đồng bế mạc lớp bồi dưỡng tiếng Hơ Rê và kiến thức dân tộc thiểu số cho 50 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thường xuyên tiếp xúc, làm việc với đồng bào vùng cao, còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc hiểu và biết tiếng Hơ Rê, sử dụng linh hoạt trong hoạt động công tác dân vận trên địa bàn đóng quân.

Trước thực tế một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn chủ yếu dùng các loại rau dại mọc trên rừng đưa vào bữa ăn hằng ngày, Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghĩa Hành đã phối hợp cấp ủy, chính quyền xã Hành Tín Tây xây dựng "Vườn rau đại đoàn kết". Sử dụng 200m² đất dự phòng của xã, đơn vị đầu tư hơn 20 triệu đồng quỹ vốn, huy động ngày công bộ đội và dân quân khoan giếng, mua máy bơm, làm ống dẫn nước, cải tạo đất cằn cỗi, trồng các loại rau muống, dền, cải, mồng tơi... Với phương pháp trồng rau an toàn kết hợp luân canh gối vụ, mỗi tháng "Vườn rau đại đoàn kết" cho thu hoạch hàng trăm ki-lô-gam rau xanh. Sử dụng nguồn rau này, đơn vị cung cấp miễn phí cho các trường mầm non trong xã và người dân thôn Trũng Kè 1. "Tiếng lành đồn xa", người dân khắp nơi trong vùng tìm đến học hỏi cách thức canh tác, giúp chủ động bảo đảm nguồn rau xanh, cải thiện bữa ăn, hạn chế tình trạng lên rừng khai thác rau dại.

Ở huyện miền núi Sơn Tây, trước đây một số người dân thường sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt lấy trực tiếp từ các con suối, không bảo đảm vệ sinh. Nhằm giúp người dân có điều kiện sử dụng nước sạch, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Huỳnh Bá Dũng, nhân viên chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Tây đã nghiên cứu, chế tạo thành công và đưa vào sử dụng bộ lọc nước với chi phí khoảng 300 nghìn đồng/bộ. Kết quả phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, nước sau lọc có các thông số hóa, lý nằm trong quy chuẩn cho phép. Sản phẩm này đã được Quân khu 5 công nhận sáng kiến loại III. Từ nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp và sự hỗ trợ của địa phương, Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Tây đã lắp đặt miễn phí bộ lọc nước tặng 54 gia đình nghèo, giúp người dân có nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt.

5 năm qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Lý Sơn đã đóng góp gần 1.200 ngày công làm mới 1,8km đường bê-tông và giúp người dân thu hoạch hành, tỏi, dưa hấu, cải tạo đất sản xuất... Cùng với đó, đơn vị trao 120 suất quà tình nghĩa, ủng hộ hàng trăm bộ quần áo tặng hộ nghèo; trao tận tay học sinh vượt khó học giỏi 30 bộ sách giáo khoa, 450 quyển vở, 300 cây bút; tăng cường hoạt động quân dân y kết hợp trong khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí tặng người dân. Thực hành tiết kiệm từ diễn tập khu vực phòng thủ huyện, đơn vị đã xây dựng một công trình "Đoàn kết quân-dân", lắp đặt 12 bộ dụng cụ thể thao ngoài trời tại công viên huyện, trị giá 180 triệu đồng. Được Ủy ban nhân dân huyện giao quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ chứa nước Thới Lới kết hợp với triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, tuần tra canh gác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy, cuối năm 2021, Ban Chỉ huy quân sự huyện thả 10 nghìn con cá giống để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến Lý Sơn.

Thượng tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện luôn phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống: "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo"; thực hành tiết kiệm trong lễ cưới, việc tang; tổ chức tốt các hoạt động truyền thống như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền, lễ hội đình làng An Hải, An Vĩnh... Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên động viên nhân dân tự giác, chủ động cung cấp tin tức, vận động các đối tượng phạm tội ra đầu thú, ngăn chặn hiện tượng truyền đạo trái phép, giữ vững trật tự trị an các ngày lễ, Tết có đông khách du lịch tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Chùa Đục, Chùa Hang, Hang Câu, Cột Cờ... Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ lực lượng vũ trang huyện đảo sôi nổi ra quân "Thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh", tích cực thu gom rác thải, tuyên truyền, vận động người dân trên đảo và du khách hạn chế sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần, không xả rác trực tiếp xuống biển... Hưởng ứng chương trình "Nâng bước em tới trường", từ năm 2019, đơn vị đảm nhận nuôi dưỡng thường xuyên cháu Trần Văn Hiệp, học sinh lớp 3 Trường tiểu học An Vĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, mỗi tháng 300 nghìn đồng giúp cháu có thêm điều kiện học tập tốt...

"Lo cho dân như lo cho mình", bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, lưc lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi góp phần củng cố thế trận lòng dân trên địa bàn ngày càng vững chắc, tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân.

Theo báo Nhân dân