Doanh nghiệp Việt Nam coi trách nhiệm cộng đồng là giá trị cốt lõi của phát triển bền vững

Nguyễn Diệp Linh
“Đừng coi thể hiện trách nhiệm cộng đồng, hoạt động từ thiện là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, đợi lớn mới thực hiện, mà hãy thực hiện từ thiện phát triển để lớn” - Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần xác định rõ, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội là sứ mệnh của họ

Nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tham gia vào các chương trình trợ giúp các đối tượng xã hội như hỗ trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt và thiên tai... Điều đó là đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp vừa ích lợi cho phát triển.

Doanh nghiệp luôn đồng hành để chia sẻ khó khăn cùng dân nghèo. Ảnh: báo Chính Phủ

Theo quan điểm của Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững thì một doanh nghiệp có trách nhiệm cần bắt đầu từ các giá trị cốt lõi khi xây dựng chiến lược phát triển. Doanh nghiệp không thể một mình thành công khi xung quanh họ thất bại. Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện các trách nhiệm cộng đồng - nhân đạo - từ thiện.

Cùng quan điểm trên, Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Địa ốc COPiHOME chia sẻ: “Là người đứng đầu doanh nghiệp, tôi luôn mong nhân viên có thu nhập tốt, khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt, mong đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng.

Để làm được điều này, tôi đã thay đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp để thích nghi và hướng tới phát triển trong hiện tại và tương lai. Cụ thể, tạo nhiều việc làm và đảm bảo đời sống người lao động, đổi mới về quản lý, kỹ thuật và công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là những việc mà người đứng đầu doanh nghiệp cần xác định rõ, với nỗ lực, sự kiên trì, tinh thần đổi mới, sáng tạo để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó hạn chế thấp nhất tổn thất, bình tĩnh vượt qua khó khăn.

Đó chính là cách tích cực nhất mà doanh nhân đóng góp cho sự phát triển của đất nước, là cách để luôn là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế”.

Nhớ lại thời điểm khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát gây tổn thất quá nặng nề ở TP.HCM, Ông Nguyễn Ngọc Luận, Sáng lập thương hiệu Meet More Coffee cho biết: “Vào thời điểm đó, chúng tôi xác định không thể kinh doanh được nữa. Giữa sự sống và cái chết cận kề, chúng tôi đã chọn cho đi một phần, đóng góp hỗ trợ bà con nghèo. Đó là những việc vẫn thường xuyên phải làm, nhưng đợt dịch này, chúng tôi đã thực sự trải lòng, tập trung nguồn lực giúp người nghèo “vượt bão”.

Hơn 40 năm được sinh ra, lớn lên, làm việc ở Việt Nam, lúc này không gì diễn tả được hết, bà con quá nghèo, quá khổ. Tôi đi trực tiếp đến tận từng ngõ ngách, từng phòng trọ ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân…, những nơi phong tỏa. Ròng rã 3 tháng, tôi có mặt ở những nơi khó khăn, để thực tế thấy người dân đang cần gì…

Dù không thể phủ kín những nơi mình đi, nhưng với những gì cá nhân tôi, người thân, gia đình, bạn bè bỏ ra ủng hộ, có thể hàng ngàn hộ gia đình đã nhận được phần quà. Những gì cho đi tôi chẳng mong nhận lại, cũng không mong được ghi nhận từ ai.

Là doanh nghiệp thì nhất định phải có đóng góp với cộng đồng. Khi doanh nghiệp dành tình cảm, sự trân trọng với cộng đồng, thì cộng đồng cũng đáp lại bằng niềm tin vào các sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp”.

Thành công của doanh nghiệp nằm ở việc mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội

Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN ++, phát triển bền vững không chỉ là điều nên làm mà là điều chúng ta cần làm nếu có đủ khả năng. Đây cũng là điều chúng ta bắt buộc phải làm nếu muốn thành công. Và chúng ta hãy bắt đầu các sớm càng tốt.

“Để phát triển bền vững trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và phải cam kết hành động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội”- ông Binu Jacob cho hay.

Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ là người xây dựng nên doanh nghiệp, quyết định cơ cấu tổ chức, ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh, bộ máy nhân sự, kỹ thuật - công nghệ, mà còn là linh hồn, thủ lĩnh tinh thần của doanh nghiệp. Họ chính là những hiện thân cụ thể, trực quan, sống động về những tiêu chuẩn của văn hóa doanh nghiệp để biết cân bằng giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và giá trị cho cộng đồng.

Doanh nghiệp vững mạnh là doanh nghiệp luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi nhuận doanh nghiệp và tác động tích cực cho cộng đồng.

Trong những năm qua, doanh nhân, doanh nghiệp đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, họ có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.

Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xã hội như xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, gắn bó hơn “sỹ, nông, công, thương”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mặc dù gặp vô vàn khó khăn khi nguồn doanh thu bị sụt giảm nhưng đội ngũ doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Phát huy truyền thống “chia ngọt, sẻ bùi”, “tương thân, tương ái”, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với đất nước, với cộng đồng xã hội.

Có thể nói, lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình Đối thoại 2045 là kim chỉ nam cho mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp: thành công của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cổ đông mà phải sáng tạo, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp phát triển bền vững là nền tảng quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia.

Hạnh Vũ