Đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Nguyễn Thị Hương
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 3/11, cả nước đã có 16,01 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 91,79 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,77% dân số. Tuy nhiên, tại một số địa phương, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng…
z4898827382979-8dda3d00a6939ad4cce73d595e167ef2-1700477550.jpg
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động của Nghiệp đoàn xích-lô văn hóa thành phố Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Anh Thư

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội tháng 11/2023, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, các giải pháp đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang được các địa phương triển khai quyết liệt.

Nhiều giải pháp phát triển Đối tượng

Tại hội nghị, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, từ tháng 8 đến nay, công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có chuyển biến tích cực; song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đó, các địa phương cần phải có giải pháp đột phá để bảo đảm thực hiện mục tiêu năm 2023. Theo Trưởng ban Dương Văn Hào, các địa phương cần nâng cao chất lượng thực hiện kịch bản thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục chủ động tham mưu để huy động ngân sách địa phương hỗ trợ người dân tham gia; tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt đến từng cấp xã…

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại một số địa phương, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp cho nên các giải pháp cũng đang được cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai quyết liệt. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lò Quân Hiệp cho biết, trong tháng 10, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn có xu hướng tăng. Bảo hiểm xã hội thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, như: tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra...

“Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, các đơn vị sử dụng lao động có xu hướng cắt giảm lao động, dẫn đến giảm số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” - Giám đốc Lò Quân Hiệp chia sẻ thực tế.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cũng đang cố gắng bám sát, triển khai theo đúng kịch bản thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đề ra trước đó. Song, việc thực hiện còn hạn chế, do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng chia sẻ tình hình thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động báo cáo UBND tỉnh để có văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này; đồng thời tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các huyện, thành phố. Tại Thanh Hóa, hiện số giảm bảo hiểm y tế tập trung ở các địa bàn miền núi do ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 ở các địa phương này.

Trưởng ban Dương Văn Hào lưu ý: Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cần khẩn trương thực hiện tốt việc triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; tập trung tăng số tham gia ở các nhóm đối tượng đã được Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ gửi dữ liệu về, bao gồm: Nhóm ở các địa bàn nông thôn mới, trẻ em dưới sáu tuổi, học sinh-sinh viên, người hơn 80 tuổi... Quá trình tham mưu hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cũng phải hết sức linh hoạt, bảo đảm cân đối phù hợp với nguồn lực thực tế ở địa phương.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, toàn ngành đã nỗ lực trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cũng như bảo đảm tốt quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người dân, người lao động, đây là tiền đề để toàn ngành hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023.

3661-1700047728-1200x0-1700474262.jpg
Ngành BHXH quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ hai tháng cuối năm 2023.

Để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải phát huy vai trò tham mưu, thúc đẩy hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp. Đồng thời, tích cực thông tin về thực tiễn công tác tổ chức thực hiện chính sách nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội của Quốc hội; triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm thực hiện thật tốt Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân.

Về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu phải bám sát kịch bản đã xây dựng cũng như các yêu cầu, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phải linh hoạt các biện pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Đẩy mạnh truyền thông để huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động cung cấp thông tin để thấy rõ được giá trị của việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian vừa qua; hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thể hiện ở việc ngăn ngừa chậm đóng, trốn đóng, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Phương Chi