Đặt nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Theo số liệu thống kê, sản lượng tôm trong nước 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh, đạt 176.000 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của Việt Nam trong những năm tới là xuất khẩu tôm đạt giá trị 10 tỉ USD/năm.
NQH_9383
 Thời gian qua, tình hình nuôi tôm ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.

Hiện sản lượng tôm thẻ ở ĐBSCL đạt 72.200 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy sản lượng tăng nhưng giá tôm thẻ bình quân giảm 15% tương đương khoảng 20.000 đồng/kg, nhiều nơi mức giảm lên đến 30.000 đồng/kg so với cuối năm 2017.

Giá tôm hiện tại ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Loại 100 con/kg khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 100.000 đồng/kg. Giá tôm giảm do ảnh hưởng của thị trường thế giới nguồn cung tăng mạnh.

Về nguyên nhân của việc giảm giá tôm, VASEP cho rằng, do các thị trường tiêu thụ lớn còn tồn hàng nhưng chưa tới mùa tiêu thụ chính nên sức mua xuất khẩu cũng giảm mạnh trong tháng 4 và 5.2018.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trên quy mô toàn cầu sản lượng tôm năm 2018 có thể vượt qua 3,5 triệu, cao nhất trong giai đoạn từ 2008 đến nay.

Theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngành sản xuất tôm đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD đối với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm.

tom_lfgv
Hiện ngành nuôi tôm đang đứng trước không ít khó khăn do các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu.

Việc phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước là yếu tố hàng đẩu trong kế hoạch.

Theo đề án, mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 10,79%/năm) trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 4,5 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; tổng diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 30.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.000.000m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 5,63%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 800.000 tấn; tôm càng xanh đạt 30.000 tấn; tôm hùm đạt 2.500 tấn.

Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.

Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh việc ngành sản xuất tôm của Việt Nam phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm), trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.300.000 m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 1.100.000 tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn.

Đề án cũng nêu rõ, ngành sản xuất tôm cần phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên điển hình như lợi thế về nuôi tôm sú, các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch phát triển tôm cần gắn chặt sản xuất với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị..

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)  kiến nghị cần động viên  doanh nghiệp chế biến tiêu thụ tốt; các đơn vị cung ứng tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm cần xem xét giảm giá để chia sẻ khó khăn cho người nuôi.

Thùy Linh (t/h)