Đạt cường độ cực đại, bão Nesat sẽ suy yếu do gặp không khí lạnh

Nguyễn Diệp Linh
Sau khi đạt cường độ cực đại trong ngày hôm nay (17/10), bão số 6 (bão Nesat) sẽ suy yếu nhanh do gặp không khí lạnh.

Ngày 17/10, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Nesat) do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tính đến sáng nay tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Bắc.

bao-so-6666-847-1665992030.jpegHướng đi của bão Nesat. Ảnh: NCHMF.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão Nesat mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 14 và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, ngày 17/10, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, gió trên Vịnh Bắc Bộ bắt đầu mạnh lên cấp 6-7. Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng và tương tác xa với bão số 6.

“Trong quá khứ khi các cơn bão gặp không khí lạnh mạnh thường suy yếu nhanh. Do đó, thời điểm hiện tại, không khí lạnh mới tương tác với bão số 6 ở khoảng cách xa nên bão vẫn có khả năng mạnh thêm”, ông Lâm nói.

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong hôm nay và ngày mai (18/10), bão số 6 có thể đạt cường độ cực đại ở cấp 12-13, giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông dự báo sẽ có gió cấp 9-10, sóng cao 8-10m; giữa Biển Đông gió cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m.

"Chúng tôi dự báo, sau khi đạt cường độ cực đại trong hôm nay và ngày mai thì bão sẽ suy yếu nhanh do không khí lạnh xâm nhập mạnh. Khi vào vùng biển Trung Bộ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Lâm nói.

Với kịch bản dự báo như trên, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, gió mạnh trên đất liền do bão là ‘không đáng lo ngại’ và mưa cũng không nhiều.

Tuy nhiên, khi đới gió Đông Bắc hoạt động mạnh, mưa sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, còn khu vực Bắc và Trung Trung Bộ mưa ít hơn.

Đến khi bão tan, không khí lạnh di chuyển sâu xuống phía Nam, lúc này khu vực Trung Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa dài ngày, nhưng không to, dao động khoảng 50mm/ngày.

Theo tính toán của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 19-20/10, bão có thể tan ngay trên biển, xác suất này là 30-40%.

Tuy nhiên, kịch bản đáng lo ngại là không khí lạnh không mạnh như dự báo mà yếu nhanh thì khi bão vào gần bờ vẫn đạt cường độ cấp 8-9, xác suất này chỉ khoảng 5%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trên hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 7 giờ sáng nay, không có tàu cá nào nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 6 trong 24 giờ tới.

Về thiệt hại ban đầu đợt mưa lũ từ 13 đến 16-10 vừa qua ở Trung Trung bộ, đã có 6 người chết. Về nhà ở có 9 nhà bị sập, đổ; 26 nhà bị thiệt hại. Về nông nghiệp: 1.015ha hoa màu bị ngập, hư hại (Quảng Trị 970ha, Huế 15ha, Quảng Nam 30ha); 121,5ha thủy sản bị thiệt hại (Huế 120ha, Quảng Trị 1,5ha); 313 con gia cầm bị chết (Quảng Trị 140, Quảng Nam 173).

Về giao thông, hiện còn 2 điểm sạt lở lớn gây tắc đường: Km32+200/QL9C, tỉnh Quảng Bình; QL.15D đi Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tổ chức khắc phục.

Về hồ chứa thuỷ điện, khu vực Trung Bộ có 26 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng từ 10-750m3/s; khu vực Tây Nguyên có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng 9-500m3/s.

Vũ Hạnh (T/h)